• Xưởng sửa chữa máy địa vật lý

    Xưởng có nhiệm vụ chính là bảo dưỡng, sửa chữa và hiệu chỉnh các máy móc thiết bị điện tử phục vụ cho các đơn vị trong Xí nghiệp địa vật lý giếng khoan. Ngoài ra xưởng còn nghiên cứu đưa vào ứng dụng và phát triển công nghệ tin học trong công tác địa vật lý

  • Trung tâm Phân tích và Xử lý số liệu

    Có nhiệm vụ đánh giá chất lượng tài liệu do Xí nghiệp Địa vật lý thực hiện.

  • Đội công nghệ cao

    Khảo sát địa vật lý tổng hợp trong giếng đang khoan. Đo địa vật lý tổng hợp, bắn mìn.

  • Đội Kiểm tra công nghệ khai thác

    Có nhiệm vụ là đo khảo sát và kiểm tra công nghệ khai thác trong các giếng khai thác và bơm ép.

  • Đội Carota khí

    Đội Carôta khí có nhiệm vụ chính là khảo sát carota khí, cung cấp kịp thời các số liệu để xác minh trữ lượng, tình trạng các giếng khoan.

  • Đội thử vỉa

    Đội có nhiệm vụ thử vỉa ở các giếng khoan nhằm định hướng cho công tác khoan, xác định tình trạng và đo vỉa, cung cấp thông tin để xác định trữ lượng công nghiệp của giếng

L&TD

LOGGING & TESTING DIVISION

Những người sống và làm việc ở giàn khoan

Một góc giàn RPIIND - "Mười năm ngày sống giữa biển khơi, mười năm ngày ở cách xa đất liền hàng trăm hải lý, là sự thử thách lòng can đảm và sức chịu đựng của con người. Bởi, không có thành công nào mà không phải hy sinh". Ðó là tâm sự của kỹ sư trẻ Nguyễn Thanh Luân, giàn RPII, một trong những giàn vừa được Xí nghiệp liên doanh dầu khí Việt-Xô (Vietsovpetro) đưa vào khai thác...
Anh Luân quê Bắc Giang, là một trong những kỹ sư trẻ nhất ở trên giàn, thời gian đi biển gần một năm. Nhắc lại chuyến đi biển đầu tiên, anh vẫn còn hồi hộp: "Những kiến thức mình học ở trường không thể đáp ứng hết yêu cầu của công việc. Nên lần đầu đi biển, mình lo lắm. Thật không ngờ, ra đến nơi, mới thấy thân thương quá. Các chú, các anh xem mình như "thành viên mới của gia đình": chỉ bảo, dìu dắt tận tình, giúp mình nhanh chóng hòa nhập môi trường ngoài biển, vượt qua những khó khăn trở ngại buổi ban đầu". Không chút đắn đo, Luân kể cho tôi nghe về cuộc sống của người thợ dầu khí trên giàn: "Tiêu chuẩn ăn mỗi ngày 9,5 USD, tiền lương, tiền đi biển, mỗi tháng cũng được hơn chục triệu. Mọi sinh hoạt, điều kiện vật chất lẫn tinh thần của người lao động trên giàn, đều được xí nghiệp chăm lo chu đáo".


Bữa ăn trưa của các kỹ sư,
công nhân tầu Vietsovpetro 01

Giàn RPII được đưa vào khai thác chưa lâu nhưng đã đóng góp đáng kể vào thành tích chung của toàn xí nghiệp. Giàn là nơi ở và làm việc của hơn 140 lao động. Mọi sinh hoạt trên giàn đều rất tiện nghi. Phòng họp, phòng ăn được bài trí gọn gàng. Nơi nghỉ ngơi, giải trí sạch sẽ, sang trọng. Giàn trưởng Lê Quý Tâm cho biết, dù mỗi người mỗi việc, mỗi đơn vị công tác khác nhau, nhưng khi ra giàn chúng tôi đều xem nhau như anh em ruột thịt, buồn vui đều sẻ chia, khó khăn đều chung lưng gánh vác. Mười lăm ngày làm việc ngoài giàn là mười lăm ngày những người thợ dầu khí sống trong tình bằng hữu. Vất vả, nhọc nhằn là vậy, nhưng nhiều người, vì nhiều lý do, không có điều kiện trở lại giàn, đều rưng rưng mỗi khi nghe ai đó nhắc đến chuyện của một thời  sống và  làm việc tại giàn.

Xa rời cuộc sống thường nhật nên mọi chuyện trong đất liền, người thợ trên giàn đều phó thác hết cho người thân. Kỹ sư V.A.Kun-đi-xép, phụ trách công tác khoan giàn RPII, thâm niên hơn mười năm ăn Tết trên giàn, không giấu niềm xúc động: "Thương nhau lắm nhưng chẳng biết phải làm gì. Xí nghiệp không thể điều cả chiếc trực thăng chỉ để đưa người thợ vào bờ khi hay tin vợ đẻ. Cũng chẳng biết làm gì ngoài những lời động viên chia sẻ khi ai đó có người thân gặp nạn ở trên bờ. Ðã xác định ra giàn là phải biết hy sinh". Nhắc đến những lần đón Tết ở trên giàn, Kun-đi-xép cười sảng khoái: "Chưa ăn Tết ở giàn khoan thì chưa thể hiểu hết nỗi lòng của những người đi biển. Tết Nguyên đán là Tết của người Việt Nam, là phong tục truyền thống của các bạn. Song chẳng hiểu từ bao giờ, cán bộ, kỹ sư, công nhân người Nga trong liên doanh Vietsovpetro cũng xem đây như cái Tết của mình, cũng nhớ nhà lắm".

Nếu ai đã một lần có mặt ở sân bay Vũng Tàu chiều cuối năm, hẳn sẽ thấy đó là những chuyến bay nhiều cảm xúc. Người về hân hoan, người đi nuối tiếc. Lời dặn dò bịn rịn của cô gái trẻ tiễn bạn ra giàn, của người vợ đưa chồng đi biển, đủ làm nao lòng cả những người can đảm nhất. Tết ngoài giàn cũng có bánh chưng, có thịt mỡ, dưa hành, có sắc mai vàng lẫn sắc đào phai, nhưng lòng người thợ dầu khí luôn vấn vương nỗi nhớ đất liền. "Ðêm giao thừa là đêm duy nhất trong năm những người thợ trên giàn cùng sum họp, có nhiều hoạt động văn nghệ, giao lưu", nhưng theo kỹ sư Nguyễn Công Lâm, Thuyền phó 2 tàu chứa dầu Vietsovpetro 01, "cái thiếu nhất của chúng tôi trong ba ngày Tết chủ yếu vẫn là tinh thần. Vất vả cả năm, ai chả muốn mấy ngày xuân gia đình đoàn tụ". Bây giờ, chuyện liên lạc giữa các giàn với đất liền không còn cách trở. Ai cũng có thể gọi điện thoại về nhà thăm hỏi, chúc Tết người thân... Một hậu phương vững chắc chính là nguồn động lực để những người thợ ngoài giàn yên tâm công tác. "Chính những người vợ của chúng tôi mới là  anh hùng. Họ quán xuyến hết việc nhà, nuôi dạy con cái để chúng tôi toàn tâm, toàn ý với công việc"- anh Lâm tâm sự.

Ði biển, từ lâu, người ta mặc định là công việc của đàn ông, ít ai biết, trên nhiều giàn khoan, vẫn có bóng dáng của những người phụ nữ. Chị Tô Thị Phấn, đầu bếp giàn PPD, tâm sự, đàn ông đi biển vất vả một thì phụ nữ vất vả mười. Nắng gió không hề chi, nhưng nỗi nhớ, bổn phận và trách nhiệm của người phụ nữ với gia đình khiến chúng tôi day dứt. Rồi chị kể cho tôi nghe về chuyến đầu đi biển: "Khi đó con mình mới 10 tháng tuổi, nhiều đêm ngoài giàn mình thức trắng. Nhớ và thương con, nhất là những lúc con cái ốm đau không có bàn tay chăm sóc của người mẹ ở bên cạnh". Giờ thì chị đã quen. Người thân trong nhà cũng cảm thông với công việc mà chị đang gánh vác. Nhưng, như chị nói, sự thiệt thòi của những đứa trẻ lớn lên thiếu bàn tay chăm sóc của người phụ nữ trong gia đình thì không thể bù đắp. Ðược biết, hầu hết chị em phụ nữ đi biển đều làm bếp hoặc các công việc giản đơn khác. Nhiều người có những hoàn cảnh éo le, song vượt lên khó khăn, họ đều hoàn thành nhiệm vụ được giao, trở thành những người giữ "bếp lửa thêm nồng" giữa biển khơi trùng điệp...

Với hàng chục công trình trên biển, Vietsovpetro là một trong những đơn vị có nhiều lao động ngoài khơi nhất trong Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam. Chăm lo cho đời sống người lao động, nhất là những lao động ngoài giàn, vừa là trách nhiệm, vừa là nghĩa vụ của những người lãnh đạo. Tổng Giám đốc Vietsovpetro Nguyễn Hữu Tuyến, trong nhiều lần tâm sự với chúng tôi, đều trăn trở với khó khăn của những người thợ ở trên giàn. Anh cho biết, bên cạnh trình độ chuyên môn, người thợ trên giàn phải có thêm bản lĩnh. Sự cô đơn, buồn chán trong công việc rất dễ khiến người ta có những hành động tiêu cực. Là người nhiều năm gắn bó với ngành dầu khí, hơn ai hết, anh hiểu rõ tâm lý của người lao động. Anh Tuyến tâm sự, lao động ngoài giàn chịu nhiều áp lực, cả về thời gian lẫn cường độ công việc. Ngoài việc đáp ứng đầy đủ các nhu cầu vật chất, Xí nghiệp liên doanh dầu khí Vietsovpetro còn thường xuyên quan tâm đời sống tinh thần của đội ngũ cán bộ, kỹ sư và công nhân trên các công trình biển. Trên nhiều giàn khoan giờ đã có sân bóng chuyền, ten-nít... Các giàn đều có phòng ka-ra-ô-kê, hội họp, giao lưu. Mọi nhu cầu liên lạc với người thân đều được đáp ứng kịp thời. "Trách nhiệm của lãnh đạo chúng tôi là phải tạo cho người thợ dầu khí ngoài khơi luôn cảm thấy hơi ấm của đất liền ở bên cạnh".

Những người ra phía biển/Xa khơi trong lời ca/Ra đi trong nắng sớm/Mặc gió và mưa sa/Ở ngoài xa, rất xa/Những giàn khoan thắp lửa/Ngọn lửa từ trái tim/Tình yêu người thợ mỏ... Xin mượn lời thơ của một người thợ, sống và làm việc nhiều năm ở trên giàn, thay cho lời kết, để thấy hết sự gian khổ và lòng nhiệt huyết của những con người đang ngày đêm vật lộn giữa biển trời, mang dòng dầu về cho Tổ quốc.
 
 
LÊ ANH TUẤN  ( Theo Nhân Dân http://www.nhandan.com.vn )

Quản lý online

Liên kết nội bộ

Giá dầu