Vào lúc 6h00’ ngày 04/4/2011, tại căn cứ lắp ráp trên bờ thuộc cảng dầu khí Vietsovpetro. Xí nghiệp Xây lắp khảo sát và sửa chữa công trình dầu khí (XLKS&SC CTDK) của Vietsovpetro đã phối hợp với Công ty cổ phần Kết cấu kim loại và lắp máy (PVC-MS) bắt đầu tiến hành quay dựng và đấu nối Panel chính cho khối chân đế giàn Mộc Tinh trong dự án Biển Đông.
Đến 11 giờ 30 cùng ngày, Panel chính của Khối chân đế giàn Mộc Tinh đã được đấu nối thành công vào các mặt ngang đảm bảo độ chính xác đúng theo thiết kế.
Các mặt ngang của khối chân đế đang chờ lắp ghép với Panel thứ nhất
Dự án Biển Đông gồm hai giàn cố định là Hải Thạch và Mộc Tinh để khai thác các mỏ khí ở các lô 05-1, 05-2 và 05-3 trên thềm lục địa Nam Việt Nam. Nơi có độ sâu nước biển từ 115 đến 140 mét. Đây là các công trình biển cố định ở độ sâu nước lớn nhất từ trước đến nay của Việt Nam. Xí nghiệp XLKS&SC CTDK của Vietsovpetro, với kinh nghiệm và năng lực hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng công trình biển đã được Công ty điều hành dầu khí Biển Đông (POC) của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giao chủ trì thực hiện chế tạo và lắp đặt các hạng mục quan trọng nhất trong Dự án này.
Giàn Mộc Tinh cũng là giàn cố định lớn nhất cho đến nay được triển khai xây dựng bằng năng lực của các nhà thầu trong nước. Công trình có trọng lượng tổng cộng trên 13.000 tấn kết cấu kim loại. Trong đó, khối chân đế nặng khoảng 6.200 tấn, gồm 4 panel chính, 2 panel phụ và 7 mặt ngang; các cọc nặng 3.700 tấn, khối thượng tầng nặng 2.800 tấn, khối sân bay và Block nhà ở nặng 420 tấn, cần đuốc nặng 200 tấn. Khối chân đế giàn Mộc Tinh đã được khởi công từ tháng 6/2010 và sẽ được hoàn tất chế tạo trên bờ để hạ thủy vào tháng 7/2011
Để quay dựng Panel số 1 nặng trên 1.300 tấn, phải sử dụng đến 7 cần cẩu làm việc đồng thời
Cùng với khối chân đế giàn Đại Hùng 2 cho biển sâu 111 mét đã được hoàn thành chế tạo trên bờ, dự kiến hạ thủy vào ngày 22/4 tới đây, Xí nghiệp XLKS&SC CTDK của Vietsovpetro và các nhà thầu trong nước đã chính thức khẳng định một bước tiến mới đột phá về năng lực và công nghệ xây dựng công trình khai thác dầu khí ở biển sâu trên 100 mét nước. Trước đó, đa số các công trình khai thác dầu khí biển được chế tạo ở Vietsovpetro có độ sâu nước làm việc không quá 60 mét.