• Xưởng sửa chữa máy địa vật lý

    Xưởng có nhiệm vụ chính là bảo dưỡng, sửa chữa và hiệu chỉnh các máy móc thiết bị điện tử phục vụ cho các đơn vị trong Xí nghiệp địa vật lý giếng khoan. Ngoài ra xưởng còn nghiên cứu đưa vào ứng dụng và phát triển công nghệ tin học trong công tác địa vật lý

  • Trung tâm Phân tích và Xử lý số liệu

    Có nhiệm vụ đánh giá chất lượng tài liệu do Xí nghiệp Địa vật lý thực hiện.

  • Đội công nghệ cao

    Khảo sát địa vật lý tổng hợp trong giếng đang khoan. Đo địa vật lý tổng hợp, bắn mìn.

  • Đội Kiểm tra công nghệ khai thác

    Có nhiệm vụ là đo khảo sát và kiểm tra công nghệ khai thác trong các giếng khai thác và bơm ép.

  • Đội Carota khí

    Đội Carôta khí có nhiệm vụ chính là khảo sát carota khí, cung cấp kịp thời các số liệu để xác minh trữ lượng, tình trạng các giếng khoan.

  • Đội thử vỉa

    Đội có nhiệm vụ thử vỉa ở các giếng khoan nhằm định hướng cho công tác khoan, xác định tình trạng và đo vỉa, cung cấp thông tin để xác định trữ lượng công nghiệp của giếng

L&TD

LOGGING & TESTING DIVISION

Những người thợ thắp sáng biển khơi, góp phần tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc

Hơn năm mươi năm đã qua, ước mong của Bác Hồ kính yêu ngày nào giờ đã thành hiện thực. Từ một ngành công nghiệp non trẻ, lạc hậu và thiếu thốn mọi bề, ngành công nghiệp dầu khí nước ta đã không ngừng lớn mạnh, trở thành một trong những tập đoàn kinh tế đầu tàu của đất nước. Ðóng góp vào sự phát triển vượt bậc ấy chính là máu, mồ hôi của các thế hệ những người thợ dầu khí Việt Nam, những người thắp sáng biển khơi, mang 'vàng đen' về cho Tổ quốc.

Truyền thống vẻ vang
Ngày 23-7-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đến thăm khu công nghiệp dầu khí Ba-cu, A-déc-bai-gian (thuộc Liên Xô trước đây), đã nói: Tôi nghĩ Việt Nam có biển, nhất định sẽ có dầu, nhưng đang trong chiến tranh chưa làm được. Tôi hy vọng và tin rằng sau khi kháng chiến thắng lợi, Liên Xô sẽ giúp chúng tôi tìm ra dầu, rồi khai thác và chế biến dầu, xây dựng được khu công nghiệp dầu khí như Ba-cu hiện nay.
Sau nhiều năm chuẩn bị, ngày 27-11-1961, Ðoàn thăm dò dầu khí 36, tiền thân của Tổng cục Dầu khí, và của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam hiện nay, chính thức ra đời. Lật giở những tấm ảnh chụp các cán bộ, kỹ sư của đoàn cách đây 50 năm, khi đặt những mũi khoan thăm dò đầu tiên tại các tỉnh phía bắc, mới thấm hết nội hàm bao la trong câu nói 'vạn sự khởi đầu nan' của những người đi trước. Bên cạnh sự giúp đỡ chí nghĩa, chí tình của các bạn Liên Xô là nỗ lực quên mình của một tập thể những người thợ dầu khí trong nước. Có người ví, hành trình tìm 'vàng đen' về cho Tổ quốc của những người thợ dầu khí Việt Nam là một cuộc trường chinh đầy thử thách. Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí Phan Tử Quang, người gắn bó với ngành dầu khí từ những ngày đất nước còn chiến tranh, tâm sự: 'Có rất nhiều việc phải làm nhưng việc mang tính sống còn là phải làm sao tìm được dầu. Ý thức rõ mục tiêu chiến lược ấy, ngay sau khi thành lập, tổng cục đã chủ trương mời những công ty dầu khí của các nước tư bản vào khoan thăm dò ở thềm lục địa phía nam, gồm Công ty Agip của I-ta-li-a, Bow Valley của Ca-na-đa, Deminex của Ðức, và các công ty của Pháp, Na Uy... Sau một thời gian cố sức tìm kiếm họ vẫn không tìm được dầu, hoặc có tìm ra như Công ty Deminex nhưng họ cho rằng trữ lượng quá thấp'.


Hơn 20 năm dằng dặc với biết bao vất vả, âu lo, phải đến ngày 24-5-1984, khi mũi khoan thăm dò của tàu Mikhain Mirchin phát hiện dòng dầu công nghiệp đầu tiên, niềm vui ấy mới kịp vỡ òa. Có mặt trên tàu khoan Mikhain Mirchin đêm hôm ấy là những tên người đã đi vào lịch sử ngành dầu khí Việt Nam: Phan Tử Quang, Ngô Thường San, Dương Ðăng Thú... Họ ôm nhau trong niềm vui khôn xiết. Kỹ sư Trần Văn Hồi, Phó Tổng giám đốc địa chất Xí nghiệp liên doanh dầu khí Việt-Xô (Vietsovpetro), kể: Sau khi phát hiện dòng dầu công nghiệp đầu tiên, Vietsovpetro đã khẩn trương đưa vào khai thác. Giàn khai thác số 1 được định vị tại mỏ Bạch Hổ. Ngày 26-6-1986, giếng số 1 đã cho dòng dầu thương phẩm đầu tiên. Tin vui làm ấm lòng đồng bào và chiến sĩ cả nước. Trên bản đồ dầu khí thế giới, một cái tên mới, trẻ trung đã xuất hiện. Phải đặt trong hoàn cảnh bộn bề khó khăn của đất nước vừa bước ra khỏi chiến tranh lúc bấy giờ mới cảm nhận hết ý nghĩa lớn lao của sự kiện trọng đại này. Nhưng 'ngày vui ngắn chẳng tày gang', không lâu sau, sản lượng khai thác ở giếng số 1 giảm dần. Giàn số 2 vừa xây dựng xong đành để nằm chỏng trơ ngoài biển. Tâm lý bi quan được dịp bùng lên. Không ít người cho rằng, đầu tư vào Bạch Hổ là đổ tiền ra biển. Nhưng chính trong giai đoạn khó khăn ấy, ngành công nghiệp dầu khí non trẻ Việt Nam đã có một bước ngoặt lớn trên chặng đường chinh phục biển khơi gian khổ của mình. Nguyên Tổng Giám đốc Vietsovpetro V.S.Vovk (giai đoạn 1988-1991) nhớ lại: 'Giai đoạn này, sản lượng khai thác từ mỏ Bạch Hổ rất khiêm tốn, và lẽ dĩ nhiên hoạt động của xí nghiệp không thể sinh lời. Cần phải có những giải pháp để thay đổi tình hình. Nếu không, xí nghiệp rất có thể bị giải thể'. Tiếp tục khoan và tiếp tục thử giếng. Ðó là những quyết định mang tính lịch sử. 'Khoan hết một choòng, đo khảo sát địa vật lý, không phát hiện gì. Khoan tiếp, đến 3 giờ sáng thì giếng hoạt động, áp suất gần 120 at. Tôi bay ra giàn ngay trong buổi sáng, nhanh chóng chuẩn bị lắp đặt ống liên kết, đưa giếng vào khai thác. Chỉ bốn tháng sau, chúng tôi đã chuyển giếng từ sơ đồ khai thác tạm thời sang sơ đồ khai thác thường xuyên. Và như vậy, giai đoạn phát triển như vũ bão của Vietsovpetro bắt đầu'. Tổng Giám đốc V.S.Vovk hồi tưởng.


Việc phát hiện dầu trong tầng đá móng của những người thợ dầu khí Vietsovpetro đã làm thay đổi hoàn toàn chiến lược đầu tư của rất nhiều công ty dầu trên thế giới. Những tên tuổi lớn của ngành dầu khí đã quay trở lại Việt Nam. Lịch sử địa chất thế giới được chứng minh có những thân dầu nằm trong tầng đá. Lịch sử ngành dầu khí Việt Nam ghi nhận một giai đoạn phát triển vượt bậc, tạo tiền đề cho những bước đi vững chắc sau này.


Khẳng định chính mình


Dù đã nhiều lần ra thăm các giàn khoan nhưng cảm giác đứng trước một giàn khoan hiện đại, vắng bóng người, như giàn khoan Sư tử đen đông bắc, thật lạ. Kỹ sư Nguyễn Phan Phúc, Tổng Giám đốc Công ty liên doanh điều hành chung Cửu Long (Cửu Long JOC- thuộc Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí), đơn vị đang quản lý và vận hành giàn khai thác Sư tử đen, cho biết: Mỏ Sư tử đen đông bắc được sử dụng công nghệ khai thác rất hiện đại, lần đầu áp dụng tại Việt Nam. Theo thiết kế, giàn đầu giếng Sư tử đen là thiết bị được điều khiển từ xa, khai thác dầu thô để đưa về xử lý tại giàn công nghệ trung tâm Sư tử vàng, cho nên ngoài ấy hầu như không có người làm việc.


Tôi lên giàn, mọi thứ đều sạch bong. Tiếng máy chạy rì rầm báo hiệu dầu đang được hút lên từ lòng biển. Anh Phúc cho biết: Nếu so với các giàn khai thác trước đây thì Sư tử đen là bước tiến dài về công nghệ. Kỹ sư Phan Thanh Tùng, Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ cơ khí hàng hải (PTSC M&C), đơn vị trực tiếp xây lắp hàng loạt các công trình lớn trong ngành, chia sẻ: Sư tử đen là một trong những dự án mà PTSC M&C triển khai những năm qua. Rất nhiều công nghệ mới, tiên tiến về chế tạo và xây lắp giàn khoan trên thế giới được áp dụng. Công trình về đích trước kế hoạch nhiều tháng, thỏa mãn yêu cầu chất lượng của tất cả các bên trong liên doanh Cửu Long JOC. Từ một đơn vị chuyên gia công, chế tạo các thiết bị nhỏ, đến nay, PTSC M&C có đủ khả năng đáp ứng những yêu cầu cao nhất của khách hàng trong và ngoài nước, trong tất cả các lĩnh vực gia công, lắp ráp, chế tạo các cấu kiện, thiết bị dầu khí, các dự án quy mô lớn, siêu trường, siêu trọng... Những cái tên như: Sư tử đen đông bắc, Sư tử vàng (Cửu Long JOC), Chim Sáo (Premir Oil), Tê Giác Trắng (Hoàng Long JOC), Biển Ðông 1 (Biển Ðông POC)..., mà công ty đã thực hiện trong suốt mười năm qua đã chứng minh điều đó.


Mới đây, với việc chế tạo và hạ thủy thành công khối chân đế giàn Ðại Hùng 02, nặng 4.800 tấn, lớn nhất từ trước đến nay, ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam lại một lần nữa khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của mình (tất cả các khâu của dự án đều do các cán bộ, kỹ sư, công nhân của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam thực hiện). Kỹ sư Nguyễn Hữu Tuyến, Tổng Giám đốc Vietsovpetro, đơn vị tổng thầu thực hiện dự án, tâm sự: Nếu trước đây, chúng ta chỉ dám khai thác ở những vùng nước sâu 50 đến 60 m, thì nay, với việc chế tạo thành công giàn Ðại Hùng 02, chúng ta hoàn toàn tự tin chinh phục những giếng khoan ở độ sâu trên 100 m nước. Nó không chỉ giúp duy trì và gia tăng sản lượng khai thác hằng năm của tập đoàn mà còn góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.


Góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc


'Mười lăm ngày sống giữa biển khơi, mười lăm ngày ở cách xa đất liền hàng trăm hải lý, là sự thử thách lòng can đảm và sức chịu đựng của con người'. Ðó là tâm sự của kỹ sư trẻ Nguyễn Thanh Luân, giàn RPII, Xí nghiệp liên doanh dầu khí Vietsovpetro. Luân quê Bắc Giang, là một trong những kỹ sư trẻ nhất ở trên giàn, thời gian đi biển mới hơn năm. Nhắc lại chuyến đi biển đầu tiên, anh vẫn còn hồi hộp: 'Những kiến thức mình học ở trường không thể đáp ứng hết yêu cầu công việc. Nên lần đầu đi biển, mình lo lắm. Không ngờ, ra đến nơi, mới thấy thân thương quá. Các chú, các anh xem mình như thành viên mới của gia đình, chỉ bảo, dìu dắt tận tình, giúp mình nhanh chóng hòa nhập môi trường ngoài biển'. Với hàng chục công trình trên biển, Vietsovpetro là đơn vị có nhiều lao động ngoài biển khơi nhất trong Tập đoàn Dầu khí quốc gia. Tổng Giám đốc Nguyễn Hữu Tuyến cho biết: Bên cạnh trình độ chuyên môn, người thợ dầu khí làm việc trên giàn cần có thêm bản lĩnh. Là người nhiều năm gắn bó với ngành dầu khí, hơn ai hết, anh hiểu rõ tâm lý của những người thợ ở trên giàn. Anh tâm sự: Lao động ngoài giàn chịu nhiều áp lực, cả về thời gian lẫn cường độ công việc. Ngoài việc đáp ứng đầy đủ các nhu cầu vật chất, chúng tôi luôn quan tâm đến đời sống tinh thần của người lao động. Kỹ sư Nguyễn Công Lâm, Thuyền phó 2 tàu chứa dầu Vietsovpetro 01, cho biết: Nếu so với trước đây, điều kiện làm việc của người thợ dầu khí được cải thiện đáng kể. Nhiều giàn khoan giờ đã có sân bóng chuyền, ten-nít..., có phòng ka-ra-ô-kê, hội họp, giao lưu. Các chế độ ăn uống, nghỉ ngơi đều được bảo đảm. Tuy nhiên, theo anh Lâm, vẫn không thể kể hết những khó khăn và nguy hiểm mà người thợ dầu khí khi làm việc ngoài khơi phải đối mặt. Chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường. Giữa biển khơi, ngoài trình độ chuyên môn, những người thợ dầu khí phải luôn đoàn kết, sát cánh bên nhau để vượt qua gian khó. Ðiều làm anh Lâm và những lao động làm việc trên các công trình biển cảm thấy hạnh phúc chính là sóng di động đã phủ đến hầu hết các giàn khoan, vừa đáp ứng nhu cầu thông tin, vừa khẳng định chủ quyền đất nước. Thực hiện chiến lược tăng tốc phát triển, những năm trở lại đây, Tập đoàn Dầu khí quốc gia nói chung và các đơn vị thành viên nói riêng đã triển khai hàng loạt các dự án thăm dò, khai thác nhằm duy trì và gia tăng sản lượng. Anh Tuyến cho biết: Chưa bao giờ Vietsovpetro triển khai một khối lượng công việc khổng lồ như hai năm trở lại đây. Nhiều dự án lớn, trong đó có những dự án trọng điểm quốc gia đã được thực hiện. Nhờ đó, đã chặn đứng được đà sụt giảm sản lượng hằng năm khoảng một triệu tấn dầu, đồng thời từng bước gia tăng sản lượng khai thác. Trước những hành động phá hoại có chủ ý, và có tính hệ thống của các tàu Trung Quốc trên vùng biển nước ta thời gian qua, tập thể cán bộ, kỹ sư, công nhân viên của Tập đoàn Dầu khí quốc gia và Vietsovpetro vẫn xác định quyết tâm bám biển nhằm thực hiện đúng tiến độ, kế hoạch các dự án tìm kiếm thăm dò, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, vừa chủ động tìm nguồn tài nguyên cho đất nước, vừa góp phần tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Lê Anh Tuấn/Nhândân

Quản lý online

Liên kết nội bộ

Giá dầu