Sứ mệnh của đầu tàu kinh tế
Trước hết, phải nói rằng PVN là doanh nghiệp đặc thù về mọi ý nghĩa đối với nền kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước.
Thuộc sở hữu của Nhà nước, ngoài Luật Dầu khí và Luật Doanh nghiệp, PVN là doanh nghiệp duy nhất hoạt động dưới sự điều chỉnh của hầu hết các bộ luật từ kinh tế đến đầu tư, từ khoa học công nghệ đến tài nguyên môi trường, năng lượng đến thương mại, từ sở hữu trí tuệ đến cạnh tranh…
Với vai trò quan trọng của mình, PVN còn được Đảng và Nhà nước tin cậy giao cho sứ mệnh đặc biệt: Góp phần đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia và là đầu tàu kinh tế trong xây dựng và phát triển đất nước.
Những năm qua, PVN đã trở thành công cụ điều tiết vĩ mô của Chính phủ, khai thác hiệu quả tài nguyên Quốc gia, đóng góp to lớn vào ngân sách Nhà nước, bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu một cách bền vững, hội nhập kinh tế quốc tế năng động, đầu tư bài bản tạo nguồn lực để thực hiện thành công chiến lược phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc và làm tốt công tác an sinh xã hội.
Là một doanh nghiệp Nhà nước có nghĩa vụ đặc biệt, PVN cũng được nhận những quan tâm ưu đãi đặc biệt. Đồng thời với việc trao nhiệm vụ nặng nề cho PVN, Nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi bằng cách thể chế hóa quan điểm, đường lối về phát triển công nghiệp dầu khí, kịp thời sửa đổi, bổ sung một số điều bất cập, hạn chế về quản lý hoạt động dầu khí, tạo hành lang pháp lý cho ngành, đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện sau khi Luật Dầu khí sửa đổi được ban hành.
Trong tình hình khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu và trong nước, PVN vẫn vững vàng phát triển, khẳng định vị thế của mình nhờ tuân thủ triệt để đường lối chỉ đạo của Chính phủ, nghiêm cẩn thực hiện lộ trình tái cơ cấu toàn diện. PVN đã kịp thời tránh khỏi những điểm yếu chí mạng của việc đa dạng hóa, phân tán nguồn lực. Dần thoái vốn hoàn toàn khỏi những ngành không thuộc chuyên môn, không có lợi thế so sánh, PVN chỉ tập trung vào 5 lĩnh vực hoạt động kinh doanh cốt lõi có quan hệ hữu cơ nhằm khai thác thế mạnh vốn có để giảm thiểu rủi ro. Bảo đảm nguyên tắc doanh nghiệp Nhà nước chỉ làm những gì mà tư nhân không muốn và không thể làm, tuân theo những quy luật khách quan của thị trường và vẫn duy trì được vai trò của mình trong việc góp phần kiềm chế lạm phát, bình ổn thị trường.
PVN – tập đoàn kinh tế – kỹ thuật mũi nhọn của Việt Nam hiện đã trở thành thương hiệu uy tín trong nước và quốc tế với trình độ khoa học công nghệ tương đồng với các nước phát triển. Với quy mô lớn và năng lực cạnh tranh cao, PVN là doanh nghiệp Việt Nam hội nhập sâu rộng nhất và sẵn sàng đối diện với thách thức trên thị trường thế giới. Ngoài việc bảo đảm khả năng tự tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí trong nước còn đầu tư ra nước ngoài bằng hàng chục dự án với nguồn vốn mạnh, năng lực kỹ thuật cao và nhân lực có chuyên môn giỏi, nhiều kinh nghiệm tích lũy được trong hàng chục năm qua.
Một doanh nghiệp được gánh vác quốc gia đại sự, mang trên vai thêm nhiều trọng trách xã hội vẫn luôn hoàn thành vượt mức các kế hoạch kinh tế được giao, lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước, PVN có quyền tự hào về những thành tựu của mình, xứng đáng với danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới được Đảng và Nhà nước trao tặng, được đông đảo nhân dân tin cậy.
Hiếm có ở đâu có một không khí lao động với tinh thần quyết liệt, xả thân và nhiệt huyết cao như Dầu khí, một môi trường văn hóa doanh nghiệp lành mạnh như ở PVN. Người lao động Dầu khí luôn tin tưởng vào hướng đi và các quyết định của lãnh đạo ngành, luôn vững vàng trước mọi khó khăn thử thách để hoàn thành nhiệm vụ.
Quyền lợi và nghĩa vụ song hành
Gần đây, vấn đề về nghĩa vụ tài chính của PVN với Nhà nước được một số báo chí đưa ra khiến cho dư luận xã hội hiểu không chính xác về PVN. Đáng ngại là ngay cả một số chuyên gia kinh tế, một số cán bộ ở cấp cao là những người hiểu thấu đáo cơ chế tài chính của PVN cũng thiếu tin tưởng vào hiệu quả hoạt động và sự minh bạch tài chính của ngành Dầu khí.
Chúng ta đều biết, nếu dư luận được hình thành từ những nguồn thông tin xác thực, nó sẽ là hữu ích, tích cực, ngược lại nếu dựa vào nguồn tin không rõ ràng, thiếu căn cứ thì hoặc cố ý hoặc vô tình nó tạo nên những hiểu lầm tai hại.
Trước hết, cần nhìn nhận rằng, chuyện huy động vốn, vay nợ để đầu tư trong quá trình thực hiện, triển khai các dự án là thông lệ bình thường trong hoạt động kinh tế thị trường. Khó có doanh nghiệp nào đủ vốn để có thể tự làm tất cả, biết vay hợp lý, biết sử dụng vốn của thiên hạ để kinh doanh và đầu tư có lãi…, luôn là “tinh hoa” quản lý, là “nghệ thuật” hấp dẫn nhất đối với các doanh nhân. Nếu doanh nghiệp sử dụng vốn hiệu quả, đầu tư có lãi và dư nợ không vượt quá khả năng chi trả thì điều đó không có gì bất thường.
Việc Bộ Tài chính đề cập tới khoản nợ 72.300 tỉ đồng của PVN trong báo cáo tại kỳ họp Quốc hội vừa qua cần được hiểu là báo cáo theo thủ tục quy định thông thường. Bộ Tài chính cũng hoàn toàn không xác định đây là khoản nợ xấu của PVN, bởi nếu xét tỉ lệ tổng nợ trên vốn chủ sở hữu của Tập đoàn thì PVN luôn kiểm soát được và có khả năng chi trả.
Khi PVN vay vốn đầu tư vào các dự án để bảo đảm định hướng phát triển lâu dài đều đã được Chính phủ phê duyệt, được các cơ quan chức năng đánh giá thẩm định, là những dự án tốt, dài hạn và đưa lại hiệu quả kinh tế cao. Con số 72.300 tỉ đồng là rất nhỏ so với tổng nhu cầu đầu tư của ngành Dầu khí. Được biết, đây là giai đoạn đầu tư vào cả 5 lĩnh vực chính của PVN, nếu chỉ đầu tư vào lĩnh vực thăm dò và khai thác thì lợi nhuận hiện nay rất lớn. Mặc dù vậy, PVN vẫn xác định phải đầu tư để phát triển cho tương lai và cho các thế hệ mai sau…
Trong năm 2011, tổng doanh thu của PVN đạt trên 675 nghìn tỉ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt trên 89 nghìn tỉ đồng; nộp NSNN đạt 160,8 nghìn tỉ đồng, chiếm trung bình 25-30% tổng thu ngân sách hàng năm. Doanh thu cao hơn 9 lần, nộp NSNN lớn hơn 2 lần số nợ phải trả, theo nhận xét của các nhà kinh tế thì số nợ nằm trong điều kiện an toàn của PVN.
Tháng 6 vừa qua, Tổng cục Thuế cũng yêu cầu nộp tiền lãi dầu khí để lại cho PVN theo Nghị định 142/2007/CP-CP tương đương khoảng 21.000 tỉ đồng vào NSNN. Tổng cục Thuế cũng yêu cầu PVN rà soát, xác định chính xác lãi dầu khí được chia từ Vietsovpetro và các hợp đồng chia sản phẩm thu nộp tập trung về PVN các năm 2009-2011.
Cần phải nhắc lại rằng, Kết luận 41-KL/TW này 19/1/2006 của Bộ Chính trị và Quyết định số 386/QĐ-TTg ngày 9/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025 đã xác định: “Từ năm 2007 trở đi, hàng năm được để lại ít nhất 50% lợi nhuận được chia cho nước chủ nhà trong XNLD Vietsovpetro và các hợp đồng chia sản phẩm. Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam được chủ động sử dụng phần tài chính này để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh”.
Ngày 5/9/2007 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 142/2007/NĐ-CP về Quy chế Quản lý tài chính Công ty mẹ – Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và quy định việc để lại cho Tập đoàn 50% tiền lãi dầu khí được phản ánh thu, chi qua Ngân sách Nhà nước (Khoản 4, Điều 18). Bộ Tài chính đã có Thông tư số 56/2008/TT-BTC ngày 23/6/2008 hướng dẫn Tập đoàn về thời điểm nộp tập trung lãi dầu khí được chia về cho Công ty Mẹ, trình tự và thủ tục ghi thu, ghi chi qua NSNN.
Như vậy, việc xác định cơ chế sử dụng khoản tiền lãi dầu khí để lại PVN đã thay đổi, từ chỗ PVN được chủ động sử dụng như một nguồn vốn kinh doanh được chuyển thành áp dụng hình thức ghi thu, ghi chi qua NSNN, là cơ chế quản lý nguồn vốn do NSNN cấp.
Có thể nói, là doanh nghiệp đặc biệt, PVN cũng phải gánh vác những nghĩa vụ đặc biệt và chịu sự quản lý đặc thù. PVN hiện nộp thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức cao nhất là 50% trong khi những doanh nghiệp khác chỉ phải nộp 25% và đang còn nhiều kiến nghị giảm xuống 23%, thậm chí 20% để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa NSNN và doanh nghiệp.
Về công tác quản lý và và sử dụng lãi dầu khí để lại PVN. Theo các quy định nêu trên tổng số tiền lãi dầu khí Tập đoàn được để lại từ năm 2006 đến hết năm 2011 đến thời điểm 31/12/2011đã được PVN giải ngân toàn bộ vào việc trích quỹ tìm kiếm thăm dò dầu khí và 12 dự án dầu khí trọng điểm như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Dự án cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau, các dự án lọc hóa dầu Long Sơn, Nghi Sơn, dự án phát triển khai thác khí, nhà máy điện…
Như vậy, tính đến hết năm 2011 số tiền lãi dầu khí được Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ cho phép để lại PVN, đã được PVN sử dụng để đầu tư vào các dự án đáp ứng tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định. Chính phủ cũng đã có ý kiến chỉ đạo chấp thuận về mặt nguyên tắc đối với phần vượt thu lãi nước chủ nhà từ Liên doanh Vietsovpetro và các hợp đồng chia sản phẩm dầu khí khác cũng sẽ cấp lại cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam 50% để đầu tư các dự án trọng điểm dầu khí…
Con số hơn 21.000 tỉ đồng mà Bộ Tài chính đang yêu cầu PVN nộp vào NSNN chỉ là con số chưa được Bộ Tài chính hoàn tất thủ tục ghi thu, ghi chi qua NSNN theo tinh thần Nghị định số 142/2007/NĐ-CP.
Được biết, hằng tháng, hằng quý và hằng năm PVN đều có báo cáo Bộ Tài chính về tình hình thực hiện nộp NSNN theo từng sắc thuế, trong đó có khoản lãi dầu khí nộp trực tiếp vào NSNN và chi tiết các khoản nộp tập trung về PVN để lại để đầu tư theo quy định. Trên cơ sở các điều chỉnh từ nhà thầu, lãi dầu khí được chia cũng thay đổi, do vậy luôn luôn được rà soát và chính xác lại. Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ định kỳ tiến hành kiểm tra, thanh tra và quyết toán khoản lãi dầu khí để lại PVN.
Trong những năm qua, PVN đã thực hiện phân phối lợi nhuận sau thuế hàng năm, tăng vốn điều lệ tuân thủ theo đúng các quy định của Nhà nước, cụ thể: PVN thực hiện phân phối lợi nhuận theo Quy chế quản lý tài chính của Công ty Mẹ – Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ban hành theo Nghị định số 142/2007/NĐ-CP, trong đó, việc phân phối lợi nhuận quy định tại Điều 23. Hằng năm (5 năm qua), Hội đồng thành viên PVN phê duyệt phân phối lợi nhuận (đã được kiểm toán bởi công ty kiểm toán độc lập) theo đúng Quy chế tài chính do Chính phủ ban hành.
Vướng mắc cơ chế cần tháo gỡ
Từ 1/7/2010 PVN đã chuyển đổi thành mô hình Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, hoạt động theo luật doanh nghiệp, vốn điều lệ của PVN bao gồm phần vốn góp vào Liên doanh Việt Nga Vietsovpetro. PVN có trách nhiệm quản lý, sử dụng hiệu quả, bảo toàn và phát triển số vốn này, đồng thời Hội đồng Thành viên PVN đã được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền phân phối thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh (Điều 13, Khoản 7, Quyết định 190/QĐ-TTg ngày 29/1/2011). Hiện tại, Vietsovpetro đã hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và thực hiện các nghĩa vụ thuế theo luật pháp Việt Nam, tuy vậy khoản lãi dầu khí PVN nhận được từ kết quả hoạt động của Vietsovpetro lại áp dụng theo cơ chế quản lý nguồn vốn NSNN (ghi thu, ghi chi), chưa được coi là kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của PVN như Luật Doanh nghiệp quy định.
Hiện tại đối với các hợp đồng dầu khí, Tập đoàn phải phát hành hóa đơn bán dầu khí lãi được chia, thu tiền và và nộp các loại thuế như một khoản thu của doanh nghiệp. Do quy định lãi dầu khí được chia để lại PVN là khoản tiền NSNN cấp mà không phải doanh thu của Tập đoàn nên phát sinh vướng mắc về việc Tập đoàn phát hành hóa đơn cho khoản thu của NSNN, khó khăn trong công tác hạch toán cũng như quyết toán khoản lãi dầu khí để lại PVN.
Thêm nữa, PVN cho rằng, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp là nguồn vốn bổ sung để đảm bảo doanh nghiệp bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước theo quy định, đồng thời cũng là nguồn để đầu tư cho các dự án phát triển (đang xây dựng cơ bản hoặc triển khai mới), tận dụng các cơ hội đầu tư ở trong và ngoài nước của Tập đoàn, phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế hiệu quả, tạo nguồn lực để thực hiện thành công chiến lược phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam.
Để ổn định nguồn vốn cho hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh, không ngừng tăng thu nộp NSNN trong năm 2012 và tạo nguồn thu nộp NSNN trong các năm tiếp theo, hoàn thành tốt các nhiệm vụ đặc biệt quan trọng được Chính phủ giao, PVN rất cần được Chính phủ, Bộ Tài chính xem xét sớm hoàn tất thủ tục ghi thu, ghi chi qua NSNN cho PVN khoản vượt thu lãi dầu khí đến hết năm 2011 được PVN giữ lại và đã sử dụng theo Kết luận 41-KL/TW ngày 19/1/2006 của Bộ Chính trị và Quyết định số 386/QĐ-TTg ngày 9/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ. Trong thời gian hoàn tất các thủ tục liên quan, Thủ tướng Chính phủ cho phép PVN không phải nộp vào NSNN khoản vượt thu này.
PVN cũng đề xuất, từ năm 2012 cho phép PVN ghi nhận toàn bộ khoản tiền lãi dầu khí (sau thuế) được chia từ Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro và các hợp đồng dầu khí là doanh thu của PVN phù hợp với Luật Doanh nghiệp, không áp dụng cơ chế ghi thu, ghi chi qua NSNN đối với lãi dầu khí. Đối với phần lãi dầu khí nước chủ nhà PVN được chia từ các hợp đồng dầu khí, PVN có nghĩa vụ nộp NSNN theo tỉ lệ phù hợp với Khoản 4 Điều 18 Nghị định 142/2007/NĐ-CP của Chính phủ.
Tập thể lãnh đạo, quản lý điều hành PVN hiện nay hầu hết đều là các nhà khoa học, các chuyên gia có uy tín trong ngành và trong xã hội, có kiến thức và bản lĩnh chính trị, có kinh nghiệm và nhiệt huyết, quá trình hoạt động đã được tôi luyện, vượt qua nhiều thử thách… Bởi vậy từ tư duy đến hành xử luôn hướng đến những giá trị nhân văn cao thượng, với chuẩn mực đạo đức trong sáng, với tinh thần vì cộng đồng, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm và luôn tôn trọng pháp luật kỷ cương. Mảnh đất Dầu khí hoàn toàn xa lạ với thói vô trách nhiệm, đồng thời không có chỗ cho những toan tính vụ lợi cá nhân.
Nền tảng tạo nên sức mạnh phát triển vững chắc của PVN là tinh thần đoàn kết và sự thống nhất của tập thể HĐTV và ban Tổng giám đốc cùng toàn thể CB CNV người lao động Dầu khí.
Xin lấy một so sánh rất hình tượng của một vị lãnh đạo ngành Dầu khí để kết thúc bài viết này: Chúng ta đang đánh cờ chứ không phải chơi bài, mọi đường đi nước bước đều công khai, ở đây không có chỗ để ẩn giấu mưu mô, tất cả đều phải tính toán mở, cơ trí, tài năng cao hay thấp đều thể hiện trên bàn, mọi người đều nhìn thấy.
Nguyễn Tiến Dũng
(Theo Petrotimes)