Ngày nay nếu ai có dịp đi đến xí nghiệp Địa Vật Lý : 65/1 trên đường 30/4, từ bên ngoài nhìn vào XN thấy như một công viên với đầy đủ các tiêu chuẩn: Xanh, sạch, đẹp.Khi vào bên trong XN mới thấy tính chuyên nghiệp, ngăn nắp quy củ của một XN công nghiệp thời công nghệ hiện đại.Các nhà xưởng rộng rãi khang trang thoáng mát, trạm máy đo, máy tời được sắp xếp gọn gàng thuận tiện cho việc sửa chữa bảo dưỡng và sẵn sàng để vận chuyển đi ra làm việc trên thực địa ở giàn khoan. Xí nghiệp có các trạm đo, máy giếng thuộc thế hệ đổi mới công nghệ ngang tầm thế giới.Ngoài ra, XN đã kết hợp với một đơn vị điện tử công nghiệp trong nước là công ty AIC để tự lực sản xuất được một số trạm đo và các thiết bị chuyên dụng như trạm đo carota tổng hợp ALS-03M, trạm đo carota điện ALS-Mini, trạm carota khí ALS-AIC-02, trạm thử vỉa ghi số Well Testing.Đặc biệt, bằng nội lực, xí nghiệp đã độc lập chế tạo được hệ thống Inclinometer bao gồm bảng điều khiển và máy giếng(Chịu nhiệt độ cao, áp suất lớn) đo góc lệch và phương vị liên tục, thiết bị đánh dấu mét tự động,máy đo cảnh giới giếng khoan,… Hiện nay, hệ thống đo cảnh giới giếng khoan mang tên Summomer đang là thiết bị độc quyền của XN Địa vật lý .Thiết bị này đang phục vụ đắc lực cho công tác khoan an toàn trong điều kiện khoan chèn nhằm tăng hệ số thu hồi dầu của XNLD.Ngoài ra từ nhiều năm nay XN đã đi làm dịch vụ xa ngoài Vietsovpetro thay cho các hãng Geoservices,Schlumberger.Với những thành tích đó, Xí nghiệp vừa được Nhà nước phong tặng Huân chương Lao động hạng Nhất và được xếp hạng là xí nghiệp loại I trong XNLD Vietsovpetro.
Nhìn sự lớn mạnh của XN Tôi lại nhớ đến 1 kỷ niệm khó quên năm xưa khi thời XN Địa Vật Lý còn trong những bước đi chập chững ban đầu.Lúc ấy,XN Địa Vật Lý được trang bị với chỉ các trạm Carota điện, carota khí của Liên Xô cũ(CCCP)chạy bằng đèn điện tử,tài liệu đo được ghi lại bằng giấy ảnh – Với băng tài liệu có được bằng công nghệ rửa ảnh phòng tối,tài liệu dưới dạng đen trắng, không có khái niệm ghi số và hoàn toàn không có khả năng cạnh tranh trong thời mở cửa. Trạm và máy giếng chạy thường không ổn định, chuẩn chỉnh phức tạp, đo từng phương pháp đơn lẻ nên tiêu tốn rất nhiều thời gian chiếm dụng giếng(>3 ngày).Nhưng mất thời gian lâu hơn nữa chính là quá trình phân tích xử lý, can in và kết xuất tài liệu địa vật lý. Do không có máy tính hỗ trợ và do mọi tính toán trên đường cong hầu như đều phải làm bằng tay nên có khi phải mất đến vài tuần
Vào một buổi sáng thứ năm đầu năm 1990,tại giàn khoan MSP -6, ngay từ sáng sớm giàn khoan đã có thông báo cho tất cả các bộ phận trên giàn phải làm vệ sinh sạch sẽ, nhà bếp đời sống phải chuẩn bị thức ăn thật tươi để đón tiếp một sự kiện đặc biệt : Dò hỏi mới biết là ngày mai sẽ đón trạm đo Schlumberger lên làm việc tại giàn (Theo hợp đồng thì hãng Schlumberger sẽ đo 5 giếng cho LDDK Vietsovpetro).Từ 5 giờ sáng thứ sáu, trạm và các container đựng máy giếng đã được cẩu lên giàn, mọi người háo hức chờ chuyến bay đầu tiên ra giàn khoan.Từ máy bay bước xuống đầu tiên là anh Ngô Khánh Băng giám sát đo của phòng địa chất LDDK Vietsovpetro sau đó là nhóm công tác gồm trưởng trạm người Anh và các thợ carota, thợ máy, thợ tời người Malayxia,Indonexia.Vừa mới xuống sàn họ đã thay ngay quần áo và lao ngay vào triển khai công việc : Lắp tổ hợp máy giếng – Một tổ hợp có thể đo một lúc nhiều phương pháp nên máy tổ hợp đo rất dài có lẽ phải đến gần 30m, trạm đo là trạm máy tính.Mặc dầu trong trạm chỉ sử dụng các máy tính AT286 chạy trên hê điều hành Dos 3.0 nhưng vào thời điểm đó, chúng là điều gợi mở trí tò mò của nhiều người vì vào năm 89-90 máy vi tính còn rất mới mẻ đối với nhiều người Việt Nam.Riêng tôi thì cứ lúc nào rảnh lại ra xem họ làm việc , chăm chú háo hức đến mức họ phải hỏi tôi là ai.Anh Băng đùa là tôi làm ở bộ phận trạm Mudlogging tương tự như trạm Geoservices của Pháp.Họ ồ lên và thân thiện ra bắt tay tôi(Lúc đó Schlumberger và Geoservices là hai hãng Địa Vật Lý và dịch vụ giếng khoan nổi tiếng nhất trên thế giới.Họ đã biết tiếng của nhau vì thường cùng nhau công tác Địa Vật Lý trên các giàn thăm dò của các hãng khoan trên thế giới).Tôi rất ngượng và không dám mời họ đến tham quan trạm máy của mình vì sự thực thì trạm Carota khí lúc đó là trạm CrT-6, đây là trạm còn chạy trên thế hệ bán dẫn kết hợp với các chương trình phân tích do các Rơle cơ điện điều khiển, tài liệu phải ghi lại vào sổ tay sau đó dựng bằng bút chì trên giấy Troky rất thô sơ và lạc hậu
Sáng thứ bảy họ bắt đầu thả máy đo, đo các máy giếng là tổ hợp nên mỗi lần thả xuống là đo được nhiều phương pháp một lúc;đến sáng thứ hai là hoàn thành tất cả các phương pháp đo carota tổng hợp.Tài liệu địa vật lý (Wireline log) được hiện lên trên màn hình máy tính và in ra dưới dạng đủ các màu sắc khác nhau trông rất đẹp và hiện đại.Cường độ làm việc thì quả là đáng khâm phục.Vị trạm trưởng người Anh từ sáng thứ bảy đến sáng thứ hai không hề rời khỏi trạm.Hầu như tất cả những người trên giàn đều trầm trồ khâm phục họ ngoài các thiết bị tiên tiến, hiện đại ra, còn có tác phong cường độ lao động công nghiệp, làm việc với sức ép cao.
Chính vì vậy mà hãng Schlumberger trong công tác đo Carota điện vào thời bấy giờ có uy tín lừng lẫy trên thế giới – Không có đối thủ cạnh tranh!!Tất cả anh em Địa vật lý đều mong ước một ngày nào đó từ Carota điện đến Carota khí có thể làm việc thay thế cho Schlumberger và Geoservices trong các dịch vụ xa ngoài Vietsovpetro.Và, ước mơ đó ngày nay đã thành hiện thực, đó là kết quả của quá trình nỗ lực không mệt mỏi của tập thể những con người tâm huyết của XN Địa Vật Lý GK – Một đơn vị thành viên năng động, bản lĩnh và trí tuệ của XNLD Vietsovpetro.
Chu Đình Thanh