• Xưởng sửa chữa máy địa vật lý

    Xưởng có nhiệm vụ chính là bảo dưỡng, sửa chữa và hiệu chỉnh các máy móc thiết bị điện tử phục vụ cho các đơn vị trong Xí nghiệp địa vật lý giếng khoan. Ngoài ra xưởng còn nghiên cứu đưa vào ứng dụng và phát triển công nghệ tin học trong công tác địa vật lý

  • Trung tâm Phân tích và Xử lý số liệu

    Có nhiệm vụ đánh giá chất lượng tài liệu do Xí nghiệp Địa vật lý thực hiện.

  • Đội công nghệ cao

    Khảo sát địa vật lý tổng hợp trong giếng đang khoan. Đo địa vật lý tổng hợp, bắn mìn.

  • Đội Kiểm tra công nghệ khai thác

    Có nhiệm vụ là đo khảo sát và kiểm tra công nghệ khai thác trong các giếng khai thác và bơm ép.

  • Đội Carota khí

    Đội Carôta khí có nhiệm vụ chính là khảo sát carota khí, cung cấp kịp thời các số liệu để xác minh trữ lượng, tình trạng các giếng khoan.

  • Đội thử vỉa

    Đội có nhiệm vụ thử vỉa ở các giếng khoan nhằm định hướng cho công tác khoan, xác định tình trạng và đo vỉa, cung cấp thông tin để xác định trữ lượng công nghiệp của giếng

L&TD

LOGGING & TESTING DIVISION

Tản mạn tháng Năm

 

 

Tản mạn tháng Năm

 

{jcomments off}Một buổi chiều cuối tháng Năm. Cuối cuộc trao đổi công việc biển - bờ, câu chuyện bất chợt dài ra với người đội trưởng carôta tổng hợp. Sau những kế hoạch mua thêm trạm, thêm máy mà chưa kịp cập nhật do đi biển liên miên, anh chuyển sang những ý tưởng còn đang dở dang nhằm nâng cao chất lượng tài liệu địa chấn dọc thành giếng khoan.

Bỗng giọng anh chợt chùng xuống: “Đang trực ở đây (giàn Wild Cat) chắc không đi phép cùng cả nhà đợt này được rồi.”

À phải, hàng ngày trên con đường dẫn vào Xí nghiệp Địa vật lý đã thấy những cánh đỏ mỏng manh lấp lóa trên cành của mấy cây phượng chuẩn bị bước vào cuộc du hành cùng gió. Thấm thoắt đã thấy tháng Năm sắp qua rồi. Sau tháng Năm, chỉ còn khoảng hai tuần đầu tháng Sáu là dịp thuận tiện nhất để cho các con nghỉ về thăm ông bà ở quê trước khi chúng lại bắt đầu những khóa học hè mới. Biết vậy mà lại lỗi hẹn, xin khất con, con nhé,  đợt khảo sát carota tổng hợp phải tiến hành ngay sau khi bố nhận bàn giao giếng từ các đồng nghiệp khoan!

Anh chỉ là một trong số rất nhiều các cán bộ kỹ sư trên mười mấy giàn khoan của Vietsovpetro luôn sẵn sàng với nhịp độ sản xuất cao nhất, để cho dòng dầu hừng hực chảy trong mạch đập của đất nước đang gấp rút dựng xây.

 

Những cánh chim không mỏi

Với cương vị đội trưởng đội Carota tổng hợp, tính đến tháng 5/2011 anh Đậu Đức Vân đã có 26 năm đi giàn. Chỉ ít tháng nữa là được nghỉ hưu, hiện chỉ tập trung vào quản lý sản xuất và đào tạo kỹ sư trẻ, anh có thể không phải ra làm trực tiếp tại giàn nữa. Nhưng có phải do nỗi nhớ biển, nhớ giàn thôi thúc mà thỉnh thoảng anh vẫn xách balô đi. Năm 2010 anh đi 36 ngày còn những năm trước thì nhiều lắm.

Là một trong những kỹ sư đầu tiên từ Công ty dầu khí 2 được điều chuyển vào Trường Đào tạo cán bộ những năm 1979 - 1980, là giai đoạn chuẩn bị nhân lực để thành lập XNLD Vietsovpetro sau này, anh được cử đi học chính trị, đi thực tập ở Liên Xô. Tháng 5/1985 anh chính thức ký vào làm tại XNLD.

Thời gian đầu anh đi các giàn cố định và đến năm 1987 anh làm bạn tri kỷ với giàn Tam Đảo. Bao nhiêu năm gắn bó, anh không thể nhớ hết những lần mà mình đã tham gia đo tổng hợp, bắn mìn, cứu kẹt. Nỗi nhớ đọng đầy ở các giai đoạn tìm kiếm dầu của XNLD, các thế hệ trạm đo Carôta tổng hợp các loại máy đo Địa vật lý (ĐVL).

Trước đây, công tác khảo sát ĐVL cùng các loại trạm đo ghi tương tự của Nga như NO-15, NO-28. Tín hiệu ghi được truyền lên thiết bị vạch vào giấy ảnh. Như các ông “phó nháy” thực thụ, người đo phải pha hóa chất, ngâm rửa cả cuộn giấy, tráng rồi phơi khô, làm dấu mét đo để gửi theo máy bay về bờ. Nhóm họa đồ sẽ can vẽ lại vào các băng giấy milimét với các loại mực màu khác nhau; để ra được những đường cong của lòng đất thật gian nan.

Sang giai đoạn 1993 – 1994, với sự hỗ trợ của công ty AIC XN ĐVL giếng khoan đã có những bước chuyển mình quan trọng: chuyển sang công nghệ số. Các loại trạm thời kỳ này là ALS, AIC. Vừa nghiên cứu vừa cải tiến, vừa làm vừa học, biết bao khó khăn vất vả trở nên nhẹ bỗng khi nhìn máy in nhiệt tuôn ra đường cong ghi số. Chỉ có màu đen trên băng giấy trắng thôi mà sao thấy ý nghĩa nhiều thế; XN đã theo kịp trình độ thế giới rồi.

Kết thúc giai đoạn số hóa, từ năm 2004 đến nay là thời gian nâng cao về công nghệ cũng như thiết bị để XN có thể đàng hoàng bước ra biển lớn. Cạnh tranh hiệu quả được với các đối tác nước ngoài. Trạm, máy đo ghi đời mới của Nga, của Mỹ, Anh … được đầu tư, CB-CNV được cử đi đào tạo khắp nơi. Quyết làm chủ kỹ thuật, làm mới chính mình, người kỹ sư bao năm chinh chiến nơi đầu sóng ngọn gió ấy lại lao vào học. Anh là tấm gương sáng cho lớp trẻ noi theo.

Nói về mình, anh kiệm lời nhưng khi hỏi về các loại trạm, máy đo Carota tổng hợp, mạch chuyện bỗng chốc sôi nổi hẳn lên. Anh bảo điều đọng lại sau nhiều năm khảo sát giếng, anh thấy trạm của bạn Nga cho đến bây giờ vẫn là chủ lực và có độ bền, tuổi thọ cao nhất. Máy Nga có tính ổn định cao, tần suất phải vào xưởng sửa chữa là thấp nhất.

Khác với anh Vân, anh Nguyễn Quang Khanh lại có nhiều suy tư về nghề nghiệp và cuộc đời. Năm 1985 vào trường Đào tạo học tiếng Nga, năm 1986 chuyển sang XNLD, một phần tư thế kỷ gắn bó với trạm đo ĐVL tổng hợp, lăn lộn qua đủ khắp các giàn, người đội trưởng giàu kinh nghiệm này đã thực sự coi trạm là nhà, biển xa là quê hương rồi.

Anh tâm sự, khi đo carota tổng hợp, trách nhiệm nặng nề nhất là của người phụ trách. Cùng phải làm như công nhân, vừa đo vừa theo dõi sát sao kiểm tra tình trạnh hoạt động của thiết bị, đảm bảo an toàn cho người và cho máy, phòng ngừa sự cố, rủi ro vừa phải liên tục quan sát giá trị đo trên màn hình (monitor). Đã thế, phải biết bố trí phân công việc, quan hệ để phối hợp tốt với các đơn vị bạn như XN khoan, XN khai thác .. để thực hiện công việc sao cho nhịp nhàng, vừa an toàn vừa nhanh chóng. Môi trường làm việc nhiều áp lực đòi hỏi độ chính xác cao đã tạo cho người đội trưởng này thói quen rất cẩn trọng trong công việc.

Chưa có số năm làm việc nhiều như các anh Vân, Khanh, nhưng các cán bộ kỹ sư ở đội Carota Công nghệ cao luôn có mặt đúng lúc vào giai đọan XN Địa vật lý có những bước tiến lớn có tính chất quyết định. Được lãnh đạo giao phó tìm hiểu, áp dụng các phương pháp carota mới với thiết bị trạm và máy giếng của Halliburton, từ những năm 1995-1996  những kỹ sư chỉ với 6-7 năm kinh nghiệm đã miệt mài nghiên cứu, lĩnh hội để nhanh chóng làm chủ công nghệ đo. Từ đó đến nay hầu như có giếng khoan thăm dò nào mở ra là anh em đội Công nghệ cao “nằm vùng” ở đó. Nói “nằm vùng” không ngoa là vì giếng thăm dò thường khoan sâu để xem xét đủ mọi đối tượng chất, thời gian khoan dài vì còn lấy mẫu lõi, tổ hợp đo phong phú, đầy đủ hơn để thu thập lượng thông tin tối đa…, rồi trực bắn mìn để thử vỉa …

Bởi vậy khi giọng người đội trưởng carota ngoài Wild Cat chợt trầm hẳn xuống, thì tôi hiểu rằng họ lo cho mình một phần mà lo cho các con và gia đình phần nhiều. Họ biết mình thường xuyên xa nhà thế này, vợ con thiệt thòi nhiều lắm. Được cái là gần đây thông tin của XNLD đã kết nối, phủ sóng đến từng giàn, gọi điện dễ dàng nên anh em đi biển cũng thấy giải tỏa bớt đi nhiều nỗi âu lo.

 

Giàn là nhà, biển cả là quê hương

Mẫu số chung của phần lớn CBCNV đang làm việc tại XNLD Vietsovpetro là đến từ các tỉnh phía Bắc và sau một thời gian làm việc là đưa cả nhà vào theo hay xây dựng gia đình luôn tại thành phố biển Vũng Tàu. Thấm thoắt vậy mà đã 30 năm kể từ ngày 19/6/1981 ký Hiệp định Liên chính phủ tại Matxcova ấy, Vũng Tàu đã thực sự trở thành quê hương thứ hai của họ, trở thành nơi chôn nhau cắt rốn của lớp cán bộ trẻ hiện nay. Một số anh chị em đến tuổi nghỉ hưu có lẽ vì yêu quá mảnh đất nắng mưa hiền hòa, sáng chiều đều đi tắm biển được này cũng ở lại luôn, đất lành chim đậu mà. Phải chăng Vũng Tàu là thành phố của những người thợ dầu khí, hay những người thợ dầu khí đã làm nên Vũng Tàu hôm nay?

Nhưng đối với các CBCNV làm việc trên biển thì thời gian lại phải sẻ chia giữa Vũng Tàu và giàn khoan. Giàn khoan thân thiết với họ, là ngôi nhà chung của dân đi biển. Một trong những Mud Logger - nhà thơ dầu khí Duy Quế (cán bộ XN Địa vật lý, hiện đã nghỉ hưu) đã viết nên những vần thơ  rất hay về ngôi nhà chung này :

 

Chẳng số nhà đâu, chẳng khóm phường đâu

Biển một màu xanh thẳm

Địa chỉ của anh kỳ lắm

Em cứ đề “Thành phố nổi” nghe em!

Địa chỉ của anh

Phần đông những đồng nghiệp tại XN Khoan và sửa giếng, XN Khai thác . . . đi làm ngoài biển theo ca 2 tuần/ca, tất cả đã theo lịch trình, đúng ngày đổi ca là vợ sửa soạn ăn mặc thật đẹp đứng đón ở cửa sân bay. Không như vậy, các cán bộ - kỹ sư của XN Địa vật lý lại đi làm trên biển theo từng đợt khảo sát. Đi về luôn thất thường, luôn lỗi hẹn, anh em biết vậy nên xuống sân bay là cứ cắm cúi ra gọi xe ôm hay tìm cái taxi mà về nhà. Những đợt đi 20, 30 ngày, đo liên miên từ giàn này qua giàn khác là chuyện thường; chẳng thế mà có một anh ở đội Carôta tổng hợp, những năm 1993-1994 đo, bắn mìn ở MSP-6, con trai đầu hơn 2 tuổi mới đi nhà trẻ Anh Đào, cô giáo dạy bé gặp ai cũng phải chào ngay nhé. Đợt đó anh đi 35 ngày, khi về bé lon ton ra mở cửa, khoanh tay lại lễ phép: “Cháu chào … (sững người một lúc) .. bố ạ ”. Nhưng có lẽ kỷ lục về đi ca dài ngày hiện vẫn thuộc về đội thử vỉa với thời gian ròng rã 2 tháng.

Đi làm ngoài giàn, về nghỉ cũng bằng ấy thời gian, yên tâm và chủ động thực hiện các kế hoạch giúp đỡ gia đình là điều hầu như ít có CBCNV đi biển nào của XN Địa vật lý làm được. Có khi mới về hôm trước, hôm sau đã thấy Phòng kỹ thuật sản xuất gọi lên báo phải gấp rút chuẩn bị vật tư, thiết bị để ngày mai đi biển.

Say nghề, yêu biển, hết mình vì công việc đến thế nên cũng chẳng ngạc nhiên lắm khi biết anh em có số giờ nghỉ bù tồn dư khá cao. Cụ thể như trong năm 2010, tại đội carôta- bắn mìn tổng hợp số giờ tồn của anh Nguyễn Văn Linh là 848, anh Tạ Minh Úy là  743; đội Carôta khí có anh Vũ Huy Bình – 366 giờ, anh Trần Văn Du – 454 giờ, anh Nguyễn Bá Huỳnh – 464 giờ; ở đội Công nghệ cao anh Dương Xuân Khôi có 728 giờ, anh Dương Thái Sơn có 702, anh Võ Văn Thiệu có 739 giờ; còn tại đội Thử vỉa có các anh Nguyễn Xuân Thân, Phạm Đình Sinh, Nguyễn Quốc Hùng, Nguyễn Tuấn Dương với số giờ nghỉ còn tồn lần lượt là 1180, 736, 910 và 1018.

Chia sẻ thời gian với giàn khoan như vậy, còn đâu để các anh chia sẻ việc nhà ? Sẽ thật là thiếu sót nếu không nhắc đến hậu phương của người thợ dầu khí và điều này cũng đã được thể hiện (tuy hơi ít) trong một số bài thơ, bài hát ca ngợi chị em, với những vai gầy lo toan việc nhà, một mình trông con ốm, vất vả chăm cha mẹ yếu . . . Riêng với người viết bài này, bằng cảm nhận của người trong cuộc, còn thấy rằng lấy chồng đi biển là chị em sẽ tất yếu phải (bị, được) trưởng thành lên rất nhiều, về mọi mặt. Những cô gái hay e thẹn, ngại ngần chỉ sau ngày cưới vài ba năm thôi là sẽ khác hẳn, ăn nói to lên, lĩnh vực nào cũng tinh thông, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, có tính tự quyết rất cao. Chị em chỉ vẽ cho nhau những bí kíp rất hay mà hôm nay xin chỉ được bật mí một cái, đó là để con đỡ ốm đau trong lúc anh em đi giàn, cứ lấy cái áo nào có vương chút mùi dầu của bố cho con gối hoặc con ôm lúc nó ngủ, rất hiệu nghiệm.

 

Khi biết người viết bài này định đặt tựa đề “Những cánh chim không mỏi”, anh Vân đã bảo ngay: “Thật ra là đã mỏi, đang mỏi,  xương cốt có vấn đề rồi, cuối năm nay anh về nghỉ đấy. Chỉ có lòng yêu nghề, yêu biển là không mỏi, bất biến với thời gian thôi!”. Có phải vì lòng yêu nghề, yêu biển mà các thế hệ cán bộ kỹ sư carota luôn gác lại việc riêng, để ngọn lửa thiêng luôn rực cháy trên các phaken của XNLD như nhà thơ Đinh Văn Danh đã hào sảng viết:

 

“Ngọn lửa tim anh là vùng hoa biển dầu

Ngọn lửa tình yêu, ngọn lửa hồng hoang

Ngọn lửa sinh sôi, ngọn lửa lòng tôi

Rực sáng lên với biển trời

Với quê hương, với bao người thợ

Đã hy sinh vì hạnh phúc con người….”

Tháng 5/2011 Liên Thủy - Kim Thanh

 

Quản lý online

Liên kết nội bộ

Giá dầu