a) Microlaterolog MLL
Nguyên lý đo điện trở bằng vi hệ cực hội tụ MLL có điểm giống như khi đo ML. Kích thước của hệ cực nhỏ, gắn trên tấm cao su tẩm dầu cách điện. Khi đo các điện cực được áp vào thành giếng.
Các điện cực trong hệ MLL, chỉ riêng Ao là điện cực hình điểm, các điện cực M1 M2 và A1 là những vòng tròn lấy Ao làm tâm chung (hình 3.21).
Dòng Io được phát qua Ao có cường độ không đổi (Io = const).
Cũng giống như trường hợp LL7, ở đây dòng I, phát qua A1 thay đổi để sao cho hiệu điện thế giữa M1 và M2 luôn luôn bằng không.
Khi điều kiện này thoả mãn thì dòng Io tập trung đi thẳng vào đất đá ở thành giếng, vì Io = const nên điện thế Uo của M1 (hoặc M2) so với N ở xa vô cùng sẽ tỷ lệ với điện trở suất của phần môi trường mà Io đi qua.
Điểm đo của MLL được tính cho điểm Ao, kích thước của vi hệ điện cực hội tụ lấy bằng đường kính trung bình giữa M1M2. Độ phân giải theo chiều thẳng đứng khoảng 1,7”, còn chiều sâu nghiên cứu từ 1 đến 2”.
Do có chiều sâu nghiên cứu không lớn nên giá trị đo Ra bằng MLL chịu ảnh hưởng mạnh của lớp vỏ sét. Sau khi hiệu chỉnh ảnh hưởng của vỏ, từ giá trị điện trở RMLLcor ta có thể tính điện trở suất Rxo của đới rửa.
Khi đới ngấm sâu hơn 3-5 cm thì dường như đới nguyên không ảnh hưởng tới RMLL. Đới ngấm quá nhỏ, chiều dày vỏ sét không đáng kể, thì giá trị đo RMLL sẽ ở khoảng xác định giữa Rxo và Rt. Trong trường hợp đó ta có thể tính Rxo bằng cách tích hợp các phép đo điện trở bằng các thiết bị có chiều sâu nghiên cứu khác nhau và dùng các bản chuẩn chuyên dụng.
b) Proximity Log, PL
Proximity Log sử dụng một vi hệ cực có cấu hình như hình 3.22 gắn trên một tấm cao su cách điện.
Các điện cực có dạng hình vuông. Trong cùng là điện cực phát, ngoài cùng là điện cực chặn; ở giữa hai điện cực phát và chặn là điện cực kiểm tra.
Nguyên tắc làm việc của hệ điện cực đo khoảng gần giống như Laterolog-3, nghĩa là trên cực chặn phát dòng không đổi, dòng Io đi qua điện cực phát trung tâm thay đổi sao cho điện thế của điện cực kiểm tra bằng không. Cường độ dòng Io lúc đó tỷ lệ với độ dẫn C của phần môi trường mà nó đi qua.
Cũng tương tự như MLL, hệ điện cực PL cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp của lớp vỏ sét nên cần phải hiệu chỉnh để loại bỏ. Phép tính hiệu chỉnh ảnh hưởng vỏ sét nhờ một bản chuẩn tương tự như đối với MLL. Phép đo PL chịu ảnh hưởng đới ngấm nhiều hơn MLL.
Chỉ trong trường hợp đới ngấm sâu (> 10”) thì đới nguyên không góp phần vào số đo RPL, còn nói chung Rt có một phần ảnh hưởng tới kết quả đo PL. Việc tính Rxo từ RPL cần có các số đo khác (LL, LLS, ILD) để ấn định đường kính đới ngấm d và Rt.
c) Phép đo vi hệ cực hội tụ cầu (MSFL)
Vi hệ cực cầu thường được lắp đặt trên một tấm cao su (hình 3.22 và 3.23) gắn trên càng của một thiết bị kết hợp đo đường kính và các Zond đo vi hệ điện cực khác.
Vi hệ cực MSFL có hai ưu điểm:
- Ít nhạy cảm với lớp vỏ sét hơn so với MLL và có số đo phản ảnh nông hơn Pl;
- Nó có thể kết hợp đo cùng lúc với các Zond khác như DLL, DIL trong khi MLL hay PL phải tiến hành riêng biệt.
(còn tiếp)
NXQ