Những tích tụ lớn dầu và khí có thể tạo thành không phải qua hàng triệu năm như từng quan niệm trước đây, mà chỉ trong mười năm.
Một nhóm nhà khoa học Viện Dầu và Khí (Viện HLKH Nga) dưới sự lãnh đạo của tiến sĩ toán-lý Azari Barenbaum đã đưa ra một quan điểm hiện đại về nguồn gốc dầu và khí. Theo đó thì sự thành tạo dầu và khí không chỉ là một quá trình đia chất, mà còn có khí hậu, liên quan chặt chẽ với sự tuần hoàn địa hoá của nước và Carbon trên hành tinh chúng ta. Vai trò quan trọng của cơ chế thành tạo các tầng dầu và khí là tác động của nước khí quyển với Carbon tự do, thấm lọc vào dưới bề mặt quả đất theo sự tuần hoàn khí hậu.
Carbon tác dụng với nước (chủ yếu dưới dạng Hydrocarbonat), tạo thành các tích tụ dầu và khí trong các cấu tạo địa chất. Tính toán lý thuyết cho thấy rằng, gần 90% dầu và khí ngày nay có thể tích tụ theo cơ chế này. Phần còn lại được thành tạo từ các trầm tích hữu cơ trong vỏ trái đất. Nhờ sự tham gia tích cực của nước tuần hoàn trong khí quyển, sự tạo thành các tầng chứa dầu và khí không phải trải qua hàng trăm nghìn-triệu năm mà chỉ trong vài chục năm.
Vì vậy, sự hình thành các tích tụ dầu khí không chỉ do các điều kiện thành tạo và tích tụ Hydrocarbon trong lòng trái đất, mà còn bởi các quá trình tuần hoàn Carbon và nước trên bề mặt hành tinh. Yếu tố cuối cùng, trong chừng mực nhất định còn phụ thuộc vào hoạt động của con người. Với khối lượng nhiên liêu tiêu thụ hiện nay (7,6 tỉ tấn Carbon quy đổi dầu mỏ), theo các tác giả, có khả năng ảnh hưởng không chỉ đến sự thay đổi khí hậu chung của hành tinh, mà còn cả các quá trình tích tụ dầu và khí trong lòng đất.
Các nhà khoa học cho rằng có thể tin tưởng về nhịp độ thu hồi dầu và khí từ trong các tầng chứa không ảnh hưởng lớn đến tầng chứa dầu khí tiềm năng của khu vực. Nhưng điều đó đúng với các điều kiện Hydrocarbon khai thác lên phải trong giới hạn tương ứng với khu vực địa chất thuỷ văn tại nơi khai thác. Sự tăng trưởng tương đối cao trữ lượng dầu và khí của những vùng mỏ lâu nay khai thác trong những khu vực tiêu thụ Hydrocarbon, theo quan điểm của các tác giả-đó là do kết quả trực tiếp của các quá trình thành tạo dầu khí hiện đại.
Trong số những vùng như thế có: Tataria và Chetchenia (LB Nga), Ucraina, Azecbaigian, bang Texac và Oklahoma (Mỹ), Mehico... Như vậy, nếu theo quan điểm mới thì trữ lượng dầu và khí trong phạm vi toàn hành tinh sẽ không cạn kiệt.
Trích từ tạp chí dầu khí T.Q.B (TheoKhoa học và Đời sống (Nga), Neftegaz.ru).