• Xưởng sửa chữa máy địa vật lý

    Xưởng có nhiệm vụ chính là bảo dưỡng, sửa chữa và hiệu chỉnh các máy móc thiết bị điện tử phục vụ cho các đơn vị trong Xí nghiệp địa vật lý giếng khoan. Ngoài ra xưởng còn nghiên cứu đưa vào ứng dụng và phát triển công nghệ tin học trong công tác địa vật lý

  • Trung tâm Phân tích và Xử lý số liệu

    Có nhiệm vụ đánh giá chất lượng tài liệu do Xí nghiệp Địa vật lý thực hiện.

  • Đội công nghệ cao

    Khảo sát địa vật lý tổng hợp trong giếng đang khoan. Đo địa vật lý tổng hợp, bắn mìn.

  • Đội Kiểm tra công nghệ khai thác

    Có nhiệm vụ là đo khảo sát và kiểm tra công nghệ khai thác trong các giếng khai thác và bơm ép.

  • Đội Carota khí

    Đội Carôta khí có nhiệm vụ chính là khảo sát carota khí, cung cấp kịp thời các số liệu để xác minh trữ lượng, tình trạng các giếng khoan.

  • Đội thử vỉa

    Đội có nhiệm vụ thử vỉa ở các giếng khoan nhằm định hướng cho công tác khoan, xác định tình trạng và đo vỉa, cung cấp thông tin để xác định trữ lượng công nghiệp của giếng

L&TD

LOGGING & TESTING DIVISION

Đánh giá chất lượng dung dịch khoan, khi khoan qua các thành hệ phức tạp bằng tài liệu Mudlogging

       Tại thực tế khoan trường, có những giếng khoan phải thi công qua những thành hệ phức tạp. Việc xử lý công nghệ để khoan được theo đúng như dự án kỹ thuật giếng khoan là việc rất khó khăn: Cần phải có những dung dịch, chế độ công nghệ khoan phù hợp để giếng khoan được hoàn thành như thiết kế.

Bài viết này đề cập đến việc dựa trên tài liệu mudlogging: nghiên cứu theo dõi giếng khoan qua một thành hệ phức tạp và quá trình thử nghiệm dung dịch hoá phầm mới phục vụ cho việc khoan qua thành hệ này.

I GIỚI THIỆU SƠ LUỢC LỊCH SỬ ĐỊA CHẤT CỦA CÁC THÀNH HỆ DỊ THƯỜNG ÁP SUẤT CAO VÀ SIÊU ÁP SUẤT

Các thành hệ dưới sâu (Trầm tích, macma, biến chất) đều chịu tác dụng trọng lực của các lớp đất đá phía trên đè lên (Overbuden) theo quy luật càng xuống sâu,  lực đè lên càng lớn. Áp suất chất lưu trong thành hệ (Áp suất thành hệ) luôn tương ứng với áp suất trọng lực - (Gradien áp suất thành hệ luôn tương ứng với gradient trọng lực – Overbudent): Theo quy luật này chúng ta có thể tính toán được áp suất thành hệ để phục vụ cho việc điều khiển quá trình thi công giếng khoan, tiến hành các nhiệm vụ đo Địa Vật Lý, nghiên cứu vật lý vỉa v.v…, nhưng có một số thành hệ không tuân theo quy luật gradient áp suất thành hệ, điển hình là:

+ Dị thường áp suất cao (Trong ngành dầu khí chỉ quan tâm đến dị thường áp suất cao, không tính đến dị thường áp suất thấp vì rất hiếm gặp và ít có ý nghĩa trong các việc xử lý công nghệ dầu khí).

+ Dị thường áp suất siêu cao: Có áp suất thành hệ quá cao

I.1 Các thành hệ dị thường áp suất cao:

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra dị thường áp suất cao nhưng ta có thể xếp vào hai nguyên nhân chính là do kiến tạo và phi kiến tạo

I.1.1 Các thành hệ dị thường áp suất cao được hình thành do yếu tố kiến tạo:

- Lực kiến tạo tác động vào khu vực rộng lớn, hình thành trường ứng xuất khu vực gây ra các hoạt động địa chất khu vực: Đứt gãy, uốn nếp, sụt lún, V.v, tạo ra các hiệu ứng nén, hiệu ứng nứt nẻ & đứt gãy, hiệu ứng nâng lên: Là nguyên nhân sinh ra dị thường áp suất cao

I.1.2 Các thành hệ áp suất cao được hình thành do yếu tố phi kiến tạo:

Có rất nhiều tác động phi kiến tạo để hình thành dị thường áp suất cao nhưng do quy mô và kích thước nhỏ và đóng vai trò thứ yếu nên chúng ta không đi sâu vào dạng này mà chỉ liệt kê ra đây, mang tính chất tham khảo:

+ Tác động thành đá

+ Hiệu ứng nghiệt

+ Hiệu ứng tỷ trọng chất lưu

+ Hiệu ứng dịch chuyển chất lưu

+ Hiệu ứng khuyếch tán

+ Hiệu ứng Diapir ( Vòm muối, vòm san hô)

Hình 1: Tài liệu Carota điện (Wire line logging) thể hiện một thành hệ dị thường áp suất cao có đới sập lở điển hình. Hình 2: Mẫu vụn sét kết thu nhận được (Của phương pháp Mudlogging) có dạng mái chèo, chân vịt, khi trương nở có dạng cột nhỏ, thẻ dày. Cát kết có dạng quaczit hoá với các đường khâu răng cưa tiến dần tới đường thẳng (Khi nén ép tăng) thể hiện một thành hệ dị thường áp suất cao điển hình.

* Để đi vào nội dung chính của bài này chúng ta chỉ nghiên cứu các dị thường áp suất cao & dị thường siêu áp suất  có nguồn gốc kiến tạo.

II CÁC THÀNH HỆ DỊ THƯỜNG ÁP SUẤT CAO & SIÊU ÁP SUẤT

+ Như đã đề cập ở trên:

-Lực kiến tạo khu vực tác động gây ra các hoạt động địa chất tạo ra các quá trình vận động kiến tạo sinh ra các thành hệ áp suất cao.

- Lực kiến tạo khi tác động trực tiếp vào thành hệ, kết hợp cùng với trọng lực (Overbuden) thường tạo ra các thành hệ dị thường  siêu áp suất – Có hai dạng điển hình là:

  • · Thành hệ chịu sự tác dụng của trường ứng xuất siêu áp
  • · Cầu siêu áp suất

II.1 Thành hệ chịu sự tác động của trường ứng xuất siêu áp

- Trong nhiều trường hợp cụ thể xảy ra: Lực kiến tạo và lực đè lên của các lớp đất đá bên trên tạo ra một lực tổng hợp cả về cường độ và hướng theo một phương xác định (Có thể biểu diễn bằng Vectơ lực). Hợp lực tổng hợp giữa kiến tạo và tải lực đè nặng của các lớp đất đá bên trên, có Gradient cường độ lực rất lớn (Càng gần gốc toạ độ, lực tổng hợp – Càng lớn).

- Hình 3: Hình vẽ minh hoạ một trường ứng lực siêu áp: VR là tải lực đè nặng của các lớp đất đá phía trên, KT là lực kiến tạo, KV là tổng hợp lực = VR + KT: Giả sử giếng khoan (GK) đã cắt qua KV - Nếu đường kính giếng khoan đủ lớn: Chúng ta sẽ thấy rất rõ hiện tượng - Một bên thành giếng thì sập lở rất mạnh trong khi đó bên kia vẫn mất dung dịch.

II.2 Thành hệ dạng “Cầu siêu áp suất”:

Dạng này chỉ là trường hợp đặc biệt của [II.1]: Khi lực kiến tạo và trọng lực của các lớp phía trên (Overbuden) là ngược hướng đối chọi trực tiếp với nhau (Đối kháng trực tiếp) – Hai cường lực cùng tác dụng ép vào thành hệ theo hai hướng ngược nhau

- Trong một vài vùng trên thế giới: Áp suất chất lưu đo được vượt quá Gradien đất đá biểu kiến ( Psi/ft ):  Siêu áp xuất là thuật ngữ cho Gradien áp suất vượt quá lớn so với Gradien đất đá biểu kiến (Overbuden gradient)

- Thời gian tồn tại lực kiến tạo có thể trợ giúp cho việc duy trì Siêu áp suất: Áp suất chất lưu cao hơn rất nhiều so với áp suất trọng lực (Overbuden) sẽ dẫn tới sự phá vỡ thuỷ lực và đẩy lên ngược lên các lớp đất đá phía trên  (Phá vỡ thuỷ lực và đẩy các lớp trên phồng lên). Mặt khác nếu các thành hệ phía trên có độ bền cao (Ví dụ đá vôi, đá xâm nhập), ứng xuất kiến tạo có thể tạo ra một “Cầu” áp suất, ghim khoá Overbuden tại chỗ – Xem hình 3A: Có siêu áp suất nhưng không đẩy các Overbuden phồng lên mà vẫn ở chỗ cũ nhưng phân bố như một cái “Cầu ngược ”. Cầu siêu áp suất” là một hiện tượng cục bộ và có trong thực tế:. Ở một vài vùng ( Ví dụ: Iran và Liên xô cũ ), áp suất chất lưu thành hệ cao hơn đến 40% so với áp suất đè lên tính toán được ( Fertl, 1976 - Khi gặp thành hệ cứng, siêu áp suất không thể làm phồng lên, nó có giá trị ghim tại chỗ (Đáy cầu nằm ngang), sự đối nghịch của lực kiến tạo và trọng lực, hình thành dạng thành hệ “Cầu siêu áp suất”.

III GIỚI THIỆU MỘT SỐ THÀNH HỆ PHỨC TẠP GÂY KHÓ KHĂN KHI THỰC HIỆN CÔNG NGHỆ KHOAN:

Tại các giếng khoan ngoài thực địa thường gặp nhất vẫn là các giếng  khoan gặp thành hệ dị thường áp suất cao có chiều dày lớn, theo các tài liệu tham khảo thì trên thế giới thỉnh thoảng có giếng khoan gặp dạng thành hệ chịu sự tác dụng của trường ứng xuất siêu áp [II.2] và rất hiếm khi gặp dạng cầu siêu áp [II.3] chúng ta lần lượt khảo sát các trường hợp này:

III.1 Khoan qua thành hệ áp suất cao có chiều dày quá lớn:

Khi giếng khoan có góc nghiêng lớn hay giếng khoan ngang (>740) coi như giếng khoan đang khoan qua thành hệ có độ dày quá lớn (Xem hình 4): Là một hình vẽ cụ thể mô tả giếng khoan có độ nghiêng lớn: Qua hình vẽ minh hoạ, chúng ta nhận thấy chiều dày của tầng dị thường áp suất cao tính theo chiều sâu thẳng đứng TVD là: 70m nhưng chiều sâu thực tế theo độ nghiêng qua tầng MD = 595m, như vậy toàn bộ phần thân trần phần mở lỗ đều chịu áp suất dị thường cao và được coi như đây là vỉa có chiều dày quá lớn - Điều này đã gây ra sập lở rất mạnh của thành giếng khoan.

- Đối với trường hợp này: Chúng ta có thể nghiên cứu và điều chế ra dung dịch có các tham số phù hợp để tiến hành tiếp tục quá trình khoan.

III.2 Khoan qua thành hệ chịu sự tác động của trường siêu áp suất:

Gặp những thành hệ dạng này hầu như chưa có chế độ xử lý công nghệ hợp lý để khống chế áp suất thành hệ nhằm khoan tiếp mà biện pháp duy nhất chỉ là khoan doa liên tục (Doa đi doa lại) để thành hệ tự thoát đi áp suất - Trở về trạng thái cân bằng áp suất: Theo tài liệu (Geoservices

Tranning File # 11), Tại Mỹ đã từng có giếng khoan phải doa đi doa lại mất gần 6 tháng mới có thể khoan tiếp được.

III.3 Khoan qua các thành hệ dạng “Cầu siêu áp suất”:

Khi khoan gặp những thành hệ này thì công nghệ khoan và chế độ dung dịch ngày nay vẫn chưa xử lý và khống chế được: Bộ khoan cụ và cần khoan thả xuống sẽ bị bóp méo hoặc kẹt mút vì khi thành hệ bị choòng khoan cắt qua -  Thời gian khôi phục thành hệ rất nhanh. Theo những tài liệu tham khảo: Ở một số vùng của Mỹ hay Liên Xô cũ, Irăc - Khi gặp những giếng khoan này thường phải huỷ bỏ.

IV THEO DÕI, PHÂN TÍCH NHỮNG TÀI LIỆU CỦA PHƯƠNG PHÁP MUDLOGGING KHI KHOAN QUA CÁC THÀNH HỆ PHỨC TẠP.

Ngày nay do sự phát triển của công nghệ thông tin và khoa học địa vật lý ứng dụng, đã chế tạo ra các trạm có những máy đo hiện đại: Đo được rất nhiều tham số công nghệ khoan với độ chính xác cao, phục vụ đắc lực cho việc theo dõi và điều khiển công nghệ khoan, điều chỉnh chế độ xử lý dung dịch. Sau đây mô tả quá trình theo dõi, phân tích tài liệu Real – time trên màn hình RTG của trạm Geoservices unit – Khi khoan qua một thành hệ phức tạp:

IV.1 Giới thiệu giếng khoan XX: 

Giếng khoan X - BT đã khoan hết tầng Miocen hạ và đạt tới độ sâu 3700m vào ngày 07/08/2008 và sau đó đã chống ống trám xi măng đến 3634m (Casing shoe = 3634m) vào ngày 17/08/2008, sau đó giếng khoan đã tạm dừng hoàn toàn các hoạt động công nghệ khoan, chuyển sang việc khác. Giếng khoan đã được chỉnh xiên tại độ sâu 175m với góc chỉnh ban đầu là 1.50 ; Phương vị: 3200, tại độ sâu 1800m giếng khoan đã đạt góc 40.30 ; Phương vị 2990 ; tại 3025m góc là 45.30 ; Phương vị 3000; tại độ sâu thực tế (MD) = 3700m độ sâu theo chiều thẳng đứng TVD là 3170m giếng khoan có rất nhiều khúc ngoặt gấp (Dog – Leg): Hình 4A là biểu đồ mặt chiếu đứng và chiếu bằng của giếng khoan. Qua các thông số về độ lệch: Chúng ta nhân thấy giếng khoan có độ nghiêng rất lớn – Khi khoan qua tầng Oligocence thượng (Trà Tân) với chiều sâu thẳng đứng TVD là 70m nhưng khoảng chiều sâu thực tế MD ~ 600m (Xem lại hình 4)

IV.2 Diễn tiến của quá trình tiến hành công nghệ khoan

Ngày 24/09/2008 đội khoan số Y-Y bắt đầu lắp bộ khoan cụ BHA N012 và choòng khoan Bit 215.9 GF – 20 N0 10066 xuống để khoan phá theo kế hoạch từ 3700m. Ngày 25/09/2008 choòng khoan bắt đầu ra khỏi ống chống đi vào khoảng thân trần (Open hole 3634 – 3700m), nhưng choòng mới vừa doa xuống vào đoạn thân trần 7 – 10m đã có hiện tượng vướng mút (H 5), mặc dù đã lặp lại công đoạn doa đi, doa lại nhiều lần nhưng hiện tượng vướng mút ngày càng trở nên trầm trọng hơn và dẫn đến nhiều lần bị kẹt cần (Hình 6), xí nghiệp khoan đã phải cử các chuyên gia người Nga trong đội cứu sự cố ra giàn khoan để chỉ đạo công nghệ.

Sự kiện vẫn cứ lặp lại nhiều lần, phải đến 12h15 ngày 10/10/2008 choòng khoan mới đến được đáy cũ (3700m: Xem H7) để tiến hành khoan phá (Khoan khối lượng): Như vậy là phải chi phí thời gian cho việc doa để đến được đáy là 16 ngày.

- Mặc dù quá trình khoan phá đã được thực hiện, nhưng khi thi công tiếp theo lại không được như mong muốn: Hình 8: Mô tả quá trình đang khoan khối lượng – Kéo lên dạo cần (Khoảng 3 – 4m: Theo chế độ công nghệ khoan) thả không xuống - Phải tiến hành doa lại hơn 1 giờ, càng về sau sự kiện này càng thêm trầm trọng hơn: Hình 9: Vào lúc 11hr30 ngày 10/10/2008 - Khi đang khoan khối lượng, tiến hành kéo dạo và lại vướng mút, kẹt cần phải lặp lại việc kéo giật và doa đến gần 4 giờ sau, quá trình khoan khối lượng mới tiếp tục trở lại.

- Do giếng khoan luôn bị sập lở, trồi đáy nên việc chi phí thời gian cho việc liên tục lặp đi lặp lại quá trình khoan doa: Trong quá trình doa bộ cần khoan luôn phải chịu Moment xoay cần (Torque) giá trị lớn, mặt khác tại các vị trí có độ cong nhiều của giếng khoan tiép xúc với bộ cần khoan sinh ra ma sát với thành giếng khoan lớn – Như vậy trong một thời gian dài duy trì giá trị ma sát, Moment quá cao đã dẫn đến giảm tuổi thọ, độ bền của bộ cần khoan – Hình 10: Bộ cần bị rách, thủng tại độ sâu 1070m vào hồi 03hr00 ngày 11/10/2008: Sự cố này được trạm Geoservices đã phát hiện sớm, kịp thời và thông  báo cho đội khoan nên đã tránh được sự cố trầm trọng hơn (Gãy cần) cho khoan.

IV.3 Những biện pháp khắc phục trong công nghệ khoan:

- Trong trường hợp khoan qua những thành hệ dạng  (III.2 & III.3), hiện nay trên thế giới vẫn chưa có dung dịch hay chế độ khoan phù hợp để khống chế dạng vỉa này.

- Với những dạng [III.1] chúng ta cần phải điều chế dung dịch phù hợp để có thể khống chế vỉa để tiến hành khoan tiêp theo dự án kỹ thuật giếng khoan.

Nhận nhiệm vụ của tập đoàn dầu khí Việt Nam giao cho, phòng Sản Phẩm Mới của Viện Dầu Khí Việt Nam đã nghiên cứu điều chế ra ra một loại hoá phầm mới (VPI – Lub) nhằm bổ sung vào dung dịch khoan để tạo ra một loại dung dịch có các tính năng phù hợp khi khoan qua thành hệ phức tạp dạng này. Dung dịch VPI – Lub được ứng dụng thí điểm tại giếng khoan XX

vào ngày 18/10/2008 tại giàn khoan YY. Sau đây là việc theo dõi, đánh giá chất lượng dung dịch khoan – Hoá phẩm mới dựa trên tài liệu Mudlogging

IV.4 Phương pháp Mudlogging trong công tác theo dõi, xác định thử nghiệm việc bổ sung hoá phẩm mới vào dung dịch

Để tăng thêm độ bôi trơn, giảm ma sát, Moment cho bộ cần khoan nhằm khống chế địa tầng phức tạp. Ngày 18/10 đã tiến hành thử nghiệm bổ sung hoá phầm VPI – Lub do phòng Sản Phẩm Mới (New Products) - Viện Dầu Khí Việt Nam chế tạo, vào dung dịch khoan. Lần thử nghiệm này là lần bổ sung thứ hai: Lần trước vào ngày 13/10/2008 đã tiến hành cuộc thử nghiệm và đã rót > 30% lượng hoá phẩm danh định vào dung dịch nhưng cuộc thử nghiệm đã phải dừng lại vì trong quá trình thử nghiệm thì giếng khoan gặp phải sự cố phức tạp trong công nghệ.

Hình 11: Mô tả quá trình bổ sung hoá phẩm mới vào dung dịch khoan – Hoá phầm rót vào dung dịch hồi 15h30  ngày 18/10/2008: Moment xoay cần lúc này có giá trị 16.8 KNM và giá trị này được giữ đến 16hr00: Khi đó dung dịch đã đi hết vòng tuần hoàn ngắn (Từ trên xuống) và ra khỏi choòng - Bắt đầu quá trình bôi trơn, 16:02hr dung dịch đã bôi trơn cho choòng và bộ khoan cụ (BHA N0 12) giá trị Moment giảm xuống còn 15.7 KNM. Thời điểm 17:03hr: Dung dịch đã bôi trơn được toàn bộ phần cong của giếng khoan và đã đi đến điểm bắt đầu chỉnh xiên: Giá trị Moment lúc này giảm xuống 14.6 KNM và ổn định. Qua theo dõi và phân tích biểu đồ: Vòng tuần hoàn thứ hai được bắt đấu từ 17:09 hr, dung dịch bôi trơn của vòng tuần hoàn thứ hai sẽ ra khỏi choòng vào lúc 17:31 hr và bôi trơn toàn bộ cột cần khoan vào lúc18:39 hr: Moment giảm giá trị từ 13.6 xuống 13.2 KNM và ổn định tại 12.3 KNM (Xem H12). Các giá trị Moment xuất hiện trên biểu đồ theo thời gian thực (Real time) hoàn toàn trùng khớp với kết quả tính toán về thời gian của chương trình Hydraulic trong phương pháp Mudlogging thực hiện trên trạm Geoservices - AIC của đội Carota khí: Xi nghiệp Địa vật Lý – Vietsovpetro.

 

* Qua theo dõi biểu đồ, chúng ta nhận thấy:

- Ở vòng tuần hoàn thứ nhất: Khi dung dịch bôi trơn có tác dụng làm giảm giá trị Moment và ổn định - Không có các giá trị biến đổi Min & Max “Giật cục”. Vào lúc 17:45 hr Moment có giá trị biến đổi Min & Max trở lại.

- Ở vòng tuần hoàn thứ hai: Khi dung dịch bôi trơn, đi hết toàn bộ giếng khoan thì giá trị Moment lại một lần nữa giảm xuống và ổn định (Tuy độ ổn định không bằng lần trước) và sau đó lại trở về trạng thái gíá trị biến đổi Min & Max như trước

* Vấn đề này được giải trình và làm sáng tỏ như sau:

- Ở vòng tuần hoàn thứ nhất: Do dung dịch có tác dụng bôi trơn tốt nên xu thế chung là Moment giảm và ổn định - Ứng lực của thành hệ tác dụng vào Moment xoay cần khoan giảm - Dẫn đến cả hai giá trị Moment xoay cần (Torque) và tải trọng trên choòng (WOB) đều giảm, kết quả làm tốc độ khoan đi nhanh hơn: Người kíp trưởng điều khiển máy khoan sẽ nhấn tời (Tăng WOB) để duy trì cho tải trọng trên choòng tăng lên đến giá trị cũ theo thiết chế của chế độ khoan, đồng thời động cơ xoay cần sẽ tự động tăng số vòng quay (RPM) lên - Kết quả là tốc độ khoan tăng lên nhưng ứng lực thành hệ và Moment xoay cần lại đối chọi nhau theo một trạng thái mới – Cân bằng nhưng ở giá trị ứng lực nhỏ hơn so với thời điểm chưa rót dung dịch bôi trơn: Quá trình khoan khối lượng là quá trình Moment xoay tăng vượt lên thắng ứng lực thành hệ và sau đó là giảm xuống cân bằng với ứng lực thành hệ, tạo nên các giá trị biến đổi Min & Max giật cục trên biểu đồ Moment (Cần phải tăng vượt qua thắng = Giá trị Max; Giảm xuống đạt cân bằng = Giá trị Min). Hiện tượng này sẽ không xảy ra nếu như RPM và WOB không tăng thêm do nguyên nhân khách quan và chủ quan, là trạng thái tất yếu của giá trị Moment khi khoan khối lượng bằng các thiết bị máy khoan của Nga.

- Ở vòng tuần hoàn thứ hai: Giải thích tương tự như vậy nhưng lưu ý là chỉ có WOB tăng còn RPM không tăng

- Vào hồi 13:40hr ngày 19/10/2008 phải kéo cần lên chân đế ống chống để sửa chữa thiết bị (H 13), khi thả xuống quá trình chỉ còn 40 – 45 phút thay vì quá trình này trước đây là 3 – 4 ngày – Hiếm khi là nhanh nhất cũng mất 20 giờ (Trong trường hợp khởi đầu là 16 ngày như đã nêu ở phần trên).

IV.5 Ảnh hưởng của hóa phẩm bôi trơn dung dịch đến tốc độ khoan cơ học ROP (Rate Operation Penetration):

Theo dự án kỹ thuật giếng khoan: Phần mái (Nóc) của tầng Trà Tân có lớp sét kết đen rất dày: Mẫu mùn khoan (Cutting) đi lên có dạng như sét dẻo: Khi khoan qua lớp sét kết này choòng và bộ khoan cụ luôn bị bó dẫn tới tốc độ khoan rất chậm ( Chung cho toàn vùng cấu tạo Bạch Hổ). Qua theo dõi phân tích biểu đồ (H 14): Chúng ta thấy tốc độ khoan cơ học biến đổi từ 86 -93 phút/m: Một ngày trung bình khoan được 14 – 16m. Vào thời điểm rót VPI - Lub lần thứ nhất 13/10/2008; tại độ sâu 3740m, Rop nhanh lên 55 -62 phút/m; Một ngày trung bình khoan được 21 -23 m. Thời điểm thử nghiệm lần thứ hai: Rop nhanh thêm nữa từ 40 – 53 phút, trung bình một ngày khoan được 28 – 32 m: Tác dụng của dung dịch bôi trơn đã làm tốc độ khoan tăng lên rõ rệt.

IV.6 Một vài phát biểu và nhận xét về dung dịch bôi trơn hoá phẩm mới (VPI – Lub):

- Qua việc theo dõi biểu đồ Real – Time trong phương pháp Mudlogging và có sự chứng thực của các cán bô kỹ thuật khoan người Việt Nam (Đốc công khoan, chuyên viên chính dung dịch) và đội trưởng khoan người Nga trên giàn X - BT chúng tôi đi đến kết luận: Hoá phẩm VPI - Lub đã đạt được những kết quả tốt đẹp với các chỉ số sau:

- Moment giảm 29% (Chỉ số đối với thành hệ này là 20%)

- Giữ được độ ổn định 100giờ (Chỉ số với thành hệ này là 24 giờ)

- Giảm chi phí tối đa thời gian doa và kéo thả trong khoảng thân trần

- Tăng tốc độ khoan cơ học (Rop)

IV.7 Các thông tin bổ sung vào thời gian sau:

Ngày 28/10/2008: Chúng tôi đã nhận được thêm thông tin từ giàn khoan X - BT đưa về: Khi dung dịch có bổ sung hoá phẩm bôi trơn VPI - Lub hết thời gian tác dụng: Giếng khoan X - BT lại trở về trạng thái như trước ngày 18/10/2008 (Diễn tiến như 25/09 -18/10/2008 - Khi chưa rót hoá phẩm mới VPI – Lub thử nghiệm vào dung dịch): Các hiện tượng vướng mút, kẹt cố liên tục xảy ra trở lại. Như vậy tác dụng của chất bôi trơn trong dung dịch là một thực tế khách quan mang tính biện chứng khoa học.

V YÊU CẦU VÀ ĐỀ NGHỊ

- Do yếu tố khách quan nên khối lượng VPI – Lub bổ sung vào dung dịch chỉ khoảng ~ 70% danh định như vậy:  Kết quả thử nghiệm trên vẫn chưa phản ánh đúng tác dụng của hóa phẩm.

- Trong thời điểm thử nghiệm, giàn khoan vắng mặt kỹ sư địa chất giàn nên không có kết quả phân tích mẫu vụn - Việc xác định địa tầng trên có phải là thành hệ chịu ứng lực cục bộ của trường ứng xuất kiến tạo cao hay trường ứng xuất siêu áp hoặc trường ứng suất siêu áp biến đổi hay không ? vẫn còn là vấn đề cần phải làm sáng tỏ: Nếu đây đúng là thành hệ thuộc các thành hệ đã nêu trên, thì hoá phầm VPI – Lub là hoá phầm đầu tiên trên thế giới đã khống chế được thành hệ kiểu dạng này. Do vậy cần có thêm cuộc thử nghiệm tiếp theo ở các giếng có thành hệ phức tạp tương tự và cần kết hợp với các kỹ sư địa chất, địa vật lý, các phòng ban có chuyên môn liên quan để làm sáng tỏ vấn đề này.

- Trước khi cần đầu tư thêm thời gian, vật chất để cho cuộc thử nghiệm sau này kỹ lưỡng, chặt chẽ hơn, để phát hiện ra tất cả các tính năng ưu việt của hoá phầm mới VPI - Lub phục vụ công nghệ khoan - Trước tiên với kết quả thử nghiệm 18/10/2008: Hoá phẩm bôi trơn VPI - Lub cần sản xuất công nghiệp để đưa ngay vào thực tế - Phục vụ cho công nghệ khoan khi khoan qua các thành hệ quá phức tạp.

Nguyễn Tuấn Anh: XN Địa Vật Lý - Vietsovpetro

Trần Văn Toại: Viện dầu khí - Việt Nam

Nguyễn Quốc Khánh: Viện dầu khí - Việt Nam

Quản lý online

Liên kết nội bộ

Giá dầu