• Xưởng sửa chữa máy địa vật lý

    Xưởng có nhiệm vụ chính là bảo dưỡng, sửa chữa và hiệu chỉnh các máy móc thiết bị điện tử phục vụ cho các đơn vị trong Xí nghiệp địa vật lý giếng khoan. Ngoài ra xưởng còn nghiên cứu đưa vào ứng dụng và phát triển công nghệ tin học trong công tác địa vật lý

  • Trung tâm Phân tích và Xử lý số liệu

    Có nhiệm vụ đánh giá chất lượng tài liệu do Xí nghiệp Địa vật lý thực hiện.

  • Đội công nghệ cao

    Khảo sát địa vật lý tổng hợp trong giếng đang khoan. Đo địa vật lý tổng hợp, bắn mìn.

  • Đội Kiểm tra công nghệ khai thác

    Có nhiệm vụ là đo khảo sát và kiểm tra công nghệ khai thác trong các giếng khai thác và bơm ép.

  • Đội Carota khí

    Đội Carôta khí có nhiệm vụ chính là khảo sát carota khí, cung cấp kịp thời các số liệu để xác minh trữ lượng, tình trạng các giếng khoan.

  • Đội thử vỉa

    Đội có nhiệm vụ thử vỉa ở các giếng khoan nhằm định hướng cho công tác khoan, xác định tình trạng và đo vỉa, cung cấp thông tin để xác định trữ lượng công nghiệp của giếng

L&TD

LOGGING & TESTING DIVISION

Nghiên cứu đá móng dựa trên việc quan sát, phân tích trực tiếp các núi đá, thể macma trên bề mặt

Tóm tắt: Có nhiều  loại đá móng nhưng phổ biến nhất là đá macma, các thân dầu trong đá móng thường rất lớn có giá trị kinh tế cao nên đòi hỏi phải nghiên cứu chi tiết, tìm hiểu kỹ càng về kiến trúc cấu tạo, đặc điểm lỗ rỗng V.v. Các tính chất đặc điểm này được nhận diện và khảo sát nghiên cứu dựa trên tài liệu địa chất, địa vật lý giếng khoan, nhưng do đá móng có độ sâu lớn nên những tài liệu này không được đầy đủ, liên tục, chi phí cho công tác nghiên cứu địa chất, địa vật lý giếng khoan rất cao. 

 Để mô hình hoá đá móng, chúng ta có thể nghiên cứu khảo sát đá macma trên bề mặt trái đất, so sánh liên kết với tài liệu địa chất, địa vật lý giếng khoan, sẽ cho chúng ta sự hiểu biết chi tiết, đầy đủ hơn về đá móng.

Đại cương về đá macma và dung thể macma:

Điều kiện thuận lợi cho công tác nghiên cứu là có nhiều núi đá , các thể macma thành tạo ở dưới sâu sau đó trải qua các thời kỳ, quá trình biến đổi địa chất và do tác dụng của yếu tố kiến tạo của vỏ trái đất: nâng lên bào mòn và lộ ra trên bề mặt nên các tính chất chung của đá móng như: Tính khe nứt, biến đổi thứ sinh, cấu tạo V.v  phần lớn đều có tính tương ứng, tương đồng với đá móng  ới sâu, nên các thông tin về kết quả khảo sát đá ma cma trên mặt đất sẽ giúp ích cho công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí trong đá móng được hiệu quả hơn.

 Hình 1 là biểu đồ thành phần cấu tạo và hàm lượng khoáng vật của các nhóm đá macma: Đá xâm nhập, từ Granite tới Paridotite, đá phun trào từ Rhyolite tới Komatite. Cùng một dung thể macma nhưng khi ở dạng  dưới sâu là đá macma xâm nhập, khi phun lên khỏi mặt đất là đá macma phun trào, hoàn toàn khác biệt về cấu tạo, kiến trúc với đá xâm nhập, hai loại đá này chỉ giống nhau ở thành phần khoáng vật, hàm lượng chung của từng khoáng vật đặc trưng.

Đi từ nhóm đá Granite, Rhyolite tới nhóm Paridotite, Komatite, dung thể macma từ axit tới bazo: Độ nhớt giảm, độ linh động cao, sáng màu tới sẫm màu.

Dung thể macma đông cứng khi chưa lên khỏi mặt đất là đá xâm nhập: Nông hay sâu phụ thuộc vào tính linh động của dung thể và đặc điểm địa tầng của các đá xung quanh bên trên.
  • Đá xâm nhập có đặc điểm là thời gian đông cứng chậm nên đá có kiến trúc hạt. Thời gian đông cứng càng chậm thì đá có độ hạt càng lớn và toàn tinh, các nứt nẻ nguyên sinh thường có kích thước nhỏ do sự co rút thể tích khi đông cứng. Các khe nứt nguyên sinh tuy không có tính chứa nhưng nó lại khởi phát cho các khe nứt thứ sinh sau này: dưới sự tác động của dòng thuỷ nhiệt, các hoạt động kiến tạo có thể phát triển các khe nứt nguyên sinh thành đới khe nứt thứ sinh, hang hốc có khả năng chứa rất cao
  •  Đá xâm nhập thường có cấu tạo dạng thể tường, thể đai (Dike), thể nền, thể cán, thể chậu V.v.

Khi dung thể macma phun lên mặt đất, đông cứng là đá macma phun trào: Đá phun trào phụ thuộc vào địa hình khu vực và đặc điểm của dung thể macma - Độ nhớt cao hay linh động.

  •  Đá phun trào có đặc điểm là khi dung thể macma phun lên tiếp xúc trực tiếp với khí quyển nên nhiệt độ giảm đột ngột, đá không có thời gian kết tinh nên kiến trúc của đá thường là vô định hình, cấu tạo: Dòng chảy, thể lớp, thể vòm V.v. Do tính dị thể của dung thể macma, nên ngay từ khi đông cứng đã hình thành các đới  khe nứt nguyên sinh lớn trong khối đá có khả năng chứa rất cao.

Qua biểu đồ trên (Hình 1) chúng ta thấy: Hàm lượng Thạch anh, mica và nhất là K – Fenspar giảm dần từ nhóm Granit, Rhyolit tới Diorite, Andesite còn Plagiocla thì ngược lại. Lượng K – Fenspar giảm, hàm lượng phóng xạ tự nhiên giảm giá trị GR giảm từ Granite, Rhyolite đến nhóm đá Peridotit, Komatite thì đá không còn đặc tính phóng xạ tự nhiên.

Hàm lượng khoáng vật màu tăng dần từ nhóm Granite, Rhyolite đến nhóm đá Gabro, Basalt thì hàm lượng khoáng vật màu lớn hơn hẳn Plagioclase, đặc biệt là ở nhóm đá Peridotite, Komatite, trong thành phần thạch học: Đá không có thạch anh, Fenspar, Mica, thành phần hoàn toàn là khoáng vật màu, nhóm đá này còn gọi là nhóm đá siêu Bazo.

Độ nứt nẻ, cường độ phong hoá, cấu tạo, hình dạng khi đông cứng của đá macma phụ thuộc vào đặc điểm hoá lý của dung thể macma, tính chất của địa hình bề mặt, đặc điểm của các đá vây quanh bên trên, các pha kiến tạo, cường độ kiến tạo tác động vào đá V.v. 

I ) Quan sát, phân tích đứt gãy và đới nứt nẻ, hang hốc trên bề mặt. 

Dầu, khí được chứa ở đới nứt nẻ, hang hốc có nguồn gốc nguyên sinh hoặc thứ sinh trong đá móng.

  • Các nứt nẻ nguyên sinh thường được thành tạo do sự co rút thể tích của khối macma khi đông cứng, các nứt nẻ nguyên sinh phụ thuộc vào thời gian đông cứng, tính khác biệt (Dị thể) của dung dịch macma.
  • Nứt nẻ thứ sinh thành tạo vào thời gian sau (Khi khối macma đã hoàn toàn đông cứng), do các yếu tố kiến tạo, phi kiến tạo (Các hoạt động nhiệt dịch, gặm mòn, rửa giũa, thực hiện trên chính các nứt nẻ thứ sinh phát triển thành các nứt nẻ lớn, hang hốc liên thông có khả năng chứa) hoặc do tác động của các yếu tố Lý - Hoá ngoại sinh  của môi trường  gián đoạn trầm tích.

I.1.1 Quan sát, phân tích đứt gãy khu vực, đới đứt gãy tại núi đá macma Long Hải:

Tại các vết lộ trên núi đá Long Hải, chúng tôi đã quan sát được các đới nứt nẻ theo hướng của đứt gãy khu vực: Các nứt nẻ, các đứt gãy nhỏ đều đi theo cùng một hướng với đứt gãy khu vực (Xem hình 2). Khi thuỷ triều xuống còn quan sát thấy chúng kéo dài xuống tận các thể macma dưới mực nước biển (Xem hình 3).

Theo liên kết và bản đồ địa chất Việt Nam (Tỷ lệ: 1: 500.000) thì đứt gãy này là đứt gãy khu vực theo hướng Đông bắc – Tây nam kéo dài cắt qua toàn bộ vùng Đông Nam Á.

I.1.2 Quan sát đới nứt nẻ Bãi Dứa :

Đới nứt nẻ Bãi Dứa thuộc đới nứt nẻ theo theo hướng chung đứt gãy khu vực nhưng có bậc thấp hơn so với đứt gãy Long Hải (Xem hình 4). Kích thước quy mô, tính định hướng thấp hơn so với đới nứt nẻ khe nứt của đứt gãy Long Hải.

I.2.1 Quan sát, phân tích đới nứt nẻ, khe nứt thứ sinh tại các núi đá macma Long Hải, Bãi Trước, Bãi Dứa, Đất Đỏ:

Tại mỏ đá Porlan - Thị trấn Đất Đỏ: Chúng ta có thể quan sát được các nứt nẻ, đới nứt nẻ được hình thành do sự co rút thể tích đột ngột của của dung thể macma phun trào Bazan (Bazo): Dung thể này có tính khác biệt ( Tính dị thể: Trong toàn khối dung thể có thành phần hoá học cơ bản là giống nhau, nhưng đôi khi có tính chất vật lý khác nhau trong thành phần. Khi phun lên mặt đất và chảy thành các dòng có ứng xuất cắt “Xén” và tỷ xuất cắt khác biệt tạo dạng các dòng chảy tầng hay dòng chảy song song) nên khi đông cứng đã tạo nên các khe nứt, đới khe nứt có kích thước lớn ( Xem hình 5). Hai khối đá này khi phong hoá trong điều kiện khí hậu nhiệt đới, độ ẩm cao sẽ tạo nên vỏ phong hoá Laterite trong đới phong hoá cộng sinh Laterite & Bauxite (Hình 6).

Tại Núi Nhỏ khu Bãi Trước chúng ta quan sát được: Thời gian đông cứng sẽ quyết định kích thước của khe nứt: Đối với đá macma xâm nhập thời gian đông cứng chậm hơn – Các khe nứt có kích thước nhỏ, ít có tính liên thông (Hình 7: Nứt nẻ nguyên sinh tại Bãi Trước). Các nứt nẻ nguyên sinh trong thời kỳ gián đoạn trầm tích có thể được các yếu tố vật lý của môi trường sẽ phát triển thành đới nứt nẻ, khe nứt quy mô lớn: Có thể coi đây là đới nứt nẻ khe nứt có nguồn gốc thành tạo tổng hợp từ các nứt nẻ nguyên sinh kết hợp với quá trình phong hoá cơ học tạo ra đới nứt nẻ vụn cơ học có khả năng chứa (Hình 8 - Đới nứt nẻ tại Bãi Dứa)

I.2.2 Quan sát, phân tích các quá trình biến đổi thứ sinh trong đá móng nứt nẻ tại núi đá macma Định Quán:

Tại núi đá macma Định Quán, chúng tôi quan sát th Granodiorite (Phức hệ Định Quán có tuổi cổ hơn (Cách đây trên dưới 150 triệu năm) so với phức hệ macma phổ biến có tuổi Cà Ná (Trên dưới 80 – 90 triệu năm). Do có tuổi cổ hơn nên chịu tác động của quá trình biến đổi thứ sinh, hậu biến đổi thứ sinh tạo các mạch canxit, zeolit lấp đầy các khe nứt (Xem hình 9).

  •  Trong quá trình biến đổi thứ sinh, các hoạt động nhiệt dịch đóng vai trò quan trọng: Là quá trình biến đổi hai chiều: ban đầu nó hoà tan các khoáng vật trong khe nứt, mở rộng khe nứt thành các hang hốc liên thông có khả năng chứa cao nhưng sau đó khi dòng nhiệt dịch đã bão hoà sẽ kết tủa thành các mạch canxit, zeolit lấp đầy các khe nứt, hang hốc làm mất đi khả năng chứa của nứt nẻ.

I.3 Nghiên cứu khe nứt, hang hốc trên tài liệu Địa Chất, Địa Vật Lý giếng khoan:

Tại các giếng khoan Thăm dò, Thăm dò – Khai thác, chúng ta có những mẫu lõi, mẫu vụn, các tài liệu địa vật lý (Carota điện, khí) thể hiện các khe nứt, đới nứt nẻ.

Hình 10: Mẫu lõi thể hiện khe nứt có kích thước lớn. Mặt phẳng khe nứt rõ rệt có thể bóc tách và có biểu hiện dầu khí (Hình 11).

Hình 12 : Mẫu lõi thể hiện đứt gãy nhỏ và các khe nứt phát triển theo hướng chung của đứt gãy.

Hình 13:Tài liệu Materlog của phương pháp Mudlogging thể hiện các nứt nẻ trong móng

Hình 14: Tài liệu Carota điện thể hiện thể hiện đới nứt nẻ chứa dầu

Hình 15: Biểu đồ tham số công nghệ khoan thể hiện đới nứt nẻ chứa dầu.

Hình 16: Mẫu lõi thể hiện quá trình biến đổi thứ sinh mạch Canxite lấp đầy khe nứt.

I.4 Ý nghĩa của việc nghiên cứu khe nứt, đới khe nứt trên bề mặt và dưới sâu trong công tác tìm kiếm và thăm dò dầu khí:

Qua việc quan sát phân tích các thể macma trên bề mặt và dưới sâu chúng tôi có những nhận định sau:

  • Các đới khe nứt nguyên sinh của đá macma phun trào thành hệ bazan, khi có sự khác biệt về thành phần dung thể macma trong cùng khối có khả năng chứa (Khi phong hoá ở vùng nhiệt đới, độ ẩm cao tạo ra vỏ phong hoá Laterite có cộng sinh Laterite và Bauxite)
  • Các khe nứt nguyên sinh của khối macma xâm nhập trong thời gian gián đoạn trầm tích, ở những vùng núi cao khí hậu hàn đới hay sa mạc khô nóng thường tạo ra đới nứt nẻ vụn cơ học có khả năng chứa rất cao ( Có thể coi đây là đới khe nứt có nguồn gốc kết hợp giữa nứt nẻ nguyên sinh và phong hoá cơ học).

II ) Quan sát phân tích đá phong hoá móng

Phong hoá là quá trình phá huỷ các đá ở trên bề mặt hay ở độ sâu không lớn trong vỏ trái đất gồm các quá trình: Phá vỡ đá (Phong hoá cơ học) và phân huỷ đá (Phong hoá hoá học).

  • Phong hóa cơ học đá móng: Là quá trình phá vỡ không sinh ra khoáng vật mới. Yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến phong hóa cơ học là quá trình phá vỡ đá do nhiệt độ, do đóng băng, do kết tinh, do nước chảy, do gió thổi. Phong hóa cơ học xảy ra chủ yếu ở vùng núi cao, khí hậu lạnh và khô, vùng xa mạc khô nóng
  • Phong hoá hoá học đá móng là quá trình phân huỷ đá trên bề mặt trái đất do ảnh hưởng của những yếu tố ngoại sinh (Oxy, nước, axit cacbonic trong khí quyển). Phong hoá hoá học chẳng những làm phá vụn các đá mà còn làm thay đổi bản chất của đá, phá huỷ khoáng vật cũ sinh thành khoáng vật mới, thay đổi thành phần hoá học của đá.
  • Việc nghiên cứu đới phong hoá, vỏ phong hoá có ý nghĩa rất lớn trong thi công giếng khoan và công tác thăm dò dầu khí.

Ngoài thực địa khoan trường: Khi khoan đến đới phong hoá móng, phải có chế độ công nghệ, chế độ dung dịch khác so với khoan trong thành hệ trầm tích, nhưng việc nhận dạng và phát hiện ra ranh giới trầm tích và đới phong hoá móng là công việc rất khó, do các vật liệu phong hoá dễ lẫn với trầm tích Oligoxen hạ nói riêng và cát kết của xen kẹp trầm tích nói chung.

Từ trước tới nay có nhiều quan điểm cho rằng: đới phong hoá không có khả năng chứa dầu, nhưng thực tế trên mỏ Bạch Hổ và một số vùng trên thế giới, có một số giếng khoan cho dòng dầu sản lượng rất lớn trong đới phong hoá. Do vậy cần phải có những quan sát phân tích kỹ lưỡng đới phong hoá trên bề mặt kết hợp với dưới sâu để có những hiểu biết chi tiết cụ thể hơn về đới phong hoá.

II.1 Quan sát, phân tích vỏ phong đá macma Long Hải, Đất Đỏ:

Vỏ phong hoá Long Hải có thành phần chủ yếu là phong hoá hoá học: Yếu tố chủ yếu là quá trình Oxy hoá, cacbonat hoá, hydrat hoá và thuỷ phân. Kết quả của quá trình phong hoá làm đá macma xâm nhập bị bóc ra từng lớp (Hình 17) vừa bị nước xâm thực mang đi vừa tạo thành vỏ phong hoá với thành phần chủ yếu là sét và đất thổ nhưỡng (Xem hình 18).

  • Các đá macma phun trào Bazan bị phong hoá thành đất đỏ thổ nhưỡng rất đặc trưng (Hình 19)
  •  Trong điều kiện khí hậu nhiệt đới, độ ẩm cao các đá bazan bị phong hoá sẽ tạo ra vỏ phong hoá Laterite điển hình,. Hình 20 là vỏ phong hoá laterite thị trấn Đất Đỏ. Quan sát kỹ vỏ phong hoá chúng ta thấy có sự cộng sinh laterite và bauxit do đá gốc là đá phun trào Bazan,  tạo ra đá “Tổ ong” rỗng xốp có khả năng chứa rất cao
  •  Tại các chân núi đá giáp biển Long Hải chúng ta có thể quan sát thấy vỏ phong hoá, chiều dày vỏ phong hoá, nhưng cũng nhiều nơi ở chân núi nằm trên đường bờ của thuỷ triều lên xuống, nơi mà tốc độ và cường độ phong hoá nhỏ hơn tốc độ xâm thực mang đi của dòng chảy làm trơ ra đá macma gốc, không tồn tại vỏ phong hoá (Xem hình 21).

II.2 Quan sát, phân tích vỏ phong hoá đá macma Bãi Dâu, Định Quán:

  • Vỏ phong hóa Bãi Dâu chủ yếu là phong hóa hóa học có sự trợ giúp của các hoạt động thực vật (Vừa phá vỡ đá vừa phân hủy đá: Phong hóa cơ học và hóa học). Sự sinh trưởng của thực vật đòi hỏi bộ rễ ngày càng phát triển : Vừa ăn sâu vừa lan rộng nhanh chóng trong khe nứt tạo điều kiện cho nước thấm vào làm phá hủy và phân hủy đá macma (Xem hình 22) . Dạng phong hóa Bãi Dâu chủ yếu tạo vỏ phong hóa sét, đất thô nhưỡng : Không có khả năng chứa.
  • Tại núi đá macma Định Quán chúng tôi đã quan sát được dạng vỏ phong hoá cơ học: Khi khối macma bị đông cứng bị co rút thể tích tạo ra các nứt nẻ nguyên sinh có kích thước nhỏ, khi được nâng lên, bóc mòn trong giai đoạn gián đoạn trầm tích, được tiếp xúc với các yếu tố phong hoá cơ học tạo ra vỏ phong hoá cơ học: Có khả năng chứa rất cao (Xem hình 23)

II.3 Nghiên cứu vỏ phong hoá dựa trên tài liệu địa chất - Địa vật lý:

Để nghiên cứu, khảo sát về đới phong hoá, vỏ phong hoá chúng ta có tài liệu địa chất, địa vật lý, mẫu lõi, mẫu vụn tại các giếng khoan.

Hình 24: Tài liệu Carota điện thể hiện sự phân biệt: Đá móng – Phong hoá - Trầm tích. Qua tài liệu này chúng ta có: Đá móng có giá trị LLD, LLS, MSFE, GR rất cao còn đới phong hoá có giá trị thấp hơn nhưng vẫn cao hơn khá nhiều so với thành hệ trầm tích, duy chỉ có giá trị GR là gần như tương đương với đá trầm tích.

Hình 25 : Tài liệu Materlog (Mudlogging: Carota khí) thể hiện đới phong hoá ( Là hiện tượng khá đặc biệt – Dung dịch bị mất trong đới phong hoá khá lớn).

Hình 26: Những mẫu vụn lấy lên từ các giếng khoan khác nhau - Phong hoá đá  móng phun trào Bazan và phong hoá đá móng xâm nhập sâu Granite.

Hình 27: Biểu đồ đường cong tham số công nghệ khoan thể hiện đới phong hoá.

Hình 28: Mẫu vụn thể hiện đới phong hoá: Các hạt thạch anh trong phong hoá, sắc cạnh tự hình do được thành tạo tại chỗ, còn các hạt cát kết thạch anh của trầm tích thì có độ tròn cạnh do có quá trình vận chuyển, lắng đọng trầm tích, quãng đường vận chuyển trầm tích nên có độ mài tròn, chọn lọc. Các hạt Fenspar trong phong hoá đã bị biến đổi hoặc biến đổi một phần thành sét caonilit có màu trắng, trắng nhợt, mềm dễ hoà tan trong nước. Fenspar trong cát kết ít bị biến đổi có màu hồng, trắng đục.

Trong giếng khoan ở thành hệ đá móng, thành giếng khoan rất ổn định còn thành giếng khoan của các thành hệ trầm tích thì không ổn định thường tăng (Do sập lở) hoặc giảm (Do trương nở) lớn. Thành hệ phong hoá tuy không ổn định như đá móng nhưng ổn định hơn so với xen kẹp trầm tích (Hình 29)

II.4 Ý nghĩa của việc nghiên cứu đới phong hoá trên bề mặt và dưới sâu trong công tác tìm kiếm và thăm dò dầu khí:

  • Nhận dạng được rõ ràng tính chất, đặc điểm, thành phần thạch học của đới phong hóa móng để phân biệt ranh giới giữa trầm tích và đới phong hóa móng
  • Nghiên cứu sâu hơn để đưa ra dấu hiệu tìm kiếm, thăm dò dầu khí một số đới phong hóa cơ học có khả năng chứa rất cao
  • Khi tìm thấy Laterite và Bauxite trong mẫu vụn của vỏ phong hoá Laterite từ giếng khoan, là dấu hiệu cho thấy các khe nứt nguyên sinh trong đá móng gốc (Bazan) có khả năng chứa khá cao (H 30)
  • Vỏ phong hoá hoá học: Sản phẩm phong hoá chủ yếu là sét, không có khả năng chứa.

III Quan sát, phân tích thể Xenolite (Đá tù: Đá bị cầm tù)

Quan sát tại các vết lộ núi đá Long Hải, có khá nhiều thể Xenolite. Đặc biệt có thể Xenolite là bột kết khi rơi vào khối dung thể macma phần ngoài của bột kết bị biến chất nhiệt thành đá biến chất dạng Paragonai, lõi bên trong vẫn còn dấu vết của bột kết (Hình 31). Hình 31 A là mẫu lõi thể Xenolite tại độ sâu 4008,83m của giếng khoan Xx : Đá Diorite có tuổi trẻ hơn bao kín đá Gabro có tuổi cổ hơn.

III 2. Ý nghĩa của việc nghiên cứu thể Xenolite:

  • Cho chúng ta biết đặc điểm, tính chất của dung thể macma khi đi lên xâm nhập vào đá vây quanh
  • Xác định được tuổi tương đối của dung thể macma, đá macma xâm nhập
  • Xác định được đá vây quanh dạng nguyên thuỷ ( Nhiều trường hợp khi chuyn động kiến tạo đi lên làm các đá vây quanh bị bóc mòn không để lại dấu vết. Ví dụ: Mỏ Bạch Hổ và Rồng không còn dấu vết của đá cổ vây quanh bị các phức hệ xâm nhập sâu xuyên lên, nhờ vào một số thể xenolite dạng bột kết nên đã xác định được đá trầm tích vây quanh có tuổi cổ hơn )

IV) Quan sát, phân tích thể macma phun trào Rhyolite – Trachite Bãi Sau, Long Hải

  • Tại điểm lộ núi đá Long Hải: Đá có cấu tạo khối đống nhất, tối màu do trong đá có thành phần K – Fenspar nên bền vững trong các tác động của yếu tố phong hoá, mặc dầu tiếp xúc với khí hậu, môi trường nhưng đá khá tươi, ít bị phong hoá (Hình 32).

  • Tại núi đá Bãi Sau có đá phun trào Rhyolite tối màu có dòng chảy chậm nên trong cấu tạo nhìn rõ thể vòm, thể phủ, thế dòng chảy (Hình 33), nhưng đặc biệt là đá tối màu: Dung thể macma axit nhưng đá có màu tối, đây là một hiện tượng cần có sự nghiên cứu sâu hơn và chúng tôi hoàn toàn lĩnh hội, những ý kiến, những hiểu biết của độc giả bổ sung cho hiện tượng này.
  •  Tại giếng khoan, mẫu vụn Rhyolite – Trachite cũng có dạng tối màu, ít bị biến đổi thứ sinh (H 34), đôi khi mẫu vụn Rhyolite – Trachite bị biến đổi thứ sinh nhưng với mức độ, cường độ thấp ( Hình 35).

IV.1 Ý nghĩa của việc nghiên cứu thể macma phun trào Rhyolite - Trachite

  • Qua việc nghiên cứu Rhyolite – Trachit, chúng ta nhận định: Đá ít bị biến đổi thứ sinh, có thế năng phong hoá nhỏ. Do các đặc điểm, tính chất đặc trưng như trên nên đá có khả năng chứa thấp

V ) Quan sát, phân tích thể đá mạch Diabase tại mũi Nghênh Phong:

Tại chân Núi Nhỏ thuộc mũi Nghênh Phong, chúng tôi gặp thể đá mạch Diabase (Đá xâm nhập nông), xuyên cắt vào khối đá Base khi bị bóc mòn lộ ra trên bề mặt: Đá Diabase có thế năng phong hoá cao hơn Base nên bị phong hoá khá mạnh có màu vàng nhạt, nâu sáng còn đá Base còn khá tươi, tối màu (H 36). Đá Diabase có kiến trúc ban tinh rất điển hình (H 37).

Nghiên cứu Diabase tại giếng khoan:
  •  Hình 38 là tài liệu Carota điện thể hiện đai mạch Diabase: Thể hiện đai mạch Diabase có giá trị GR cao xuyên vào khối Base có giá trị GR thấp.
  •  Hình 39 là mẫu vụn Diabase thu nhận tại giếng khoan – Qua những mảnh lớn trong mẫu vụn chúng ta có thể quan sát được dạng kiến trúc ban tinh điển hình.

V.1: Ý nghĩa của việc nghiên cứu, phân tích thể đá mạch Diabase

Nghiên các thể đá mạch có ý nghĩa trong việc liên kết tài liệu địa chất, địa vật lý để nhận dạng một phức hệ macma, là cơ sở để tính tuổi địa chất tương đối cho các địa tầng bị xuyên cắt.

VI Kết luận và đề nghị

Nghiên cứu, khảo sát đá móng bằng việc quan sát, phân tích các thể macma tại các núi đá macma trên bề mặt là công việc quan trọng, cần thiết.

  •  Từ những quan sát, nghiên cứu này chúng ta có thể khảo sát được kết quả của các quá trình địa chất, kiến tạo, địa hoá v.v tác động vào macma tạo ra những khe nứt, đới khe nứt có khả năng chứa.
  •  Xác định được những tính chất, đặc điểm của các phức hệ macma, có hiệu quả lớn trong việc liên kết các tài liệu địa chất, địa vật lý giếng khoan.
  •  Là cơ sở để tính tuổi địa chất tương đối tương đối cho những đối tượng địa tầng quan tâm.
  •  Xây dựng được mô hình chuyển động, tính chất hoá lý của khối, dòng dung thể macma cổ

Yếu tố thuận lợi là miền Nam Việt Nam chúng ta rất gần với các núi đá macma. Chúng tôi mong muốn nên có nhiều chuyến đi quan sát, phân tích đá macma trên bề mặt.

NTA

Quản lý online

Liên kết nội bộ

Giá dầu