Chỉ trong 5 năm, người kỹ sư Nguyễn Xuân Quang của Liên doanh Dầu khí Việt - Nga (Vietsovpetro) đã có 10 sáng kiến sáng tạo, đồng thời trực tiếp thiết kế và xây dựng các hệ thống thiết bị địa vật lý chuyên ngành, góp phần giúp doanh nghiệp hiện đại hóa công nghệ.
Anh Nguyễn Xuân Quang (giữa) nhận Huân chương Lao động hạng Ba
Anh Nguyễn Xuân Quang, sinh năm 1963, là kỹ sư Xưởng Sửa chữa và Chuẩn chỉnh Máy Địa vật lý, Xí nghiệp Địa vật lý giếng khoan - Vietsovpetro. Trên cương vị trưởng nhóm Ứng dụng và phát triển công nghệ mới, anh Quang đã đóng vai trò chủ chốt trong quá trình đổi mới công nghệ của xí nghiệp bằng nội lực của công nghệ trong nước qua hàng loạt các công trình đồng bộ hóa và hiện đại hóa các hệ thống đo carota tổng hợp. Hơn thế, anh còn trực tiếp thiết kế và xây dựng các hệ thống thiết bị địa vật lý chuyên ngành; xây dựng các phần mềm chuyên dụng phục vụ thiết thực cho sự phát triển của xí nghiệp. Nhiều công trình của nhóm đã được đánh giá cao và đạt giải cao trong các hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng như toàn quốc, hay Giải thưởng sáng tạo công nghệ Việt Nam.
Là người đầy nhiệt huyết với công việc và có niềm đam mê nghiên cứu, chỉ trong 5 năm gần đây, anh Quang đã có 10 sáng kiến cải tiến hợp lý hóa sản xuất, được Vietsovpetro công nhận và áp dụng vào sản xuất. Tiêu biểu như giải pháp “Thiết kế và chế tạo máy đo độ lệch liên tục qua cần khoan”. Đây là công trình nghiên cứu chế tạo mới hệ thống đo độ lệch và phương vị liên tục ghi số với máy giếng có đường kính ngoài là 60mm, nhằm thay thế các máy Kitta cũ của Nga nay đã hỏng và công nghệ đo đã lạc hậu. Hay như giải pháp “Cải tiến hệ thống cảnh báo va chạm choòng khoan với ống chống bằng phương pháp Summomer để thực hiện đo 32 kênh trên giàn MSP và BK”. Hệ thống này đã cho phép đo cảnh giới đồng thời trên cả giàn khoan và giàn nhẹ lân cận, nhằm cảnh báo sự va chạm giữa choòng khoan của giếng đang khoan với ống chống của các giếng đã khai thác nằm lân cận hoặc các giếng tuy ở xa hơn trên giàn nhẹ (BK) nhưng vẫn có nguy cơ bị xuyên thủng khi ở độ sâu thích ứng trong quá trình khoan xiên.
Một trong những giải pháp giá trị khác của anh Quang là “Thiết kế, lắp ráp thiết bị đo ghi số trạm tời chuyên dụng phục vụ cho công tác dịch vụ cáp địa vật lý”. Sáng kiến này đã giải quyết được việc cung ứng một thiết bị đồng bộ, hiện đại phục vụ trực tiếp cho công tác dịch vụ cáp địa vật lý của xí nghiệp. Qua đó, tiết kiệm được chi phí mua sắm thiết bị trạm bề mặt đo carota tổng hợp của nước ngoài, từng bước tiến tới nội địa hóa hệ thống điều khiển tời carota.
Không chỉ say mê công việc, anh Quang còn là thành viên Ban đào tạo nội bộ xí nghiệp. Trong mảng hoạt động này, cá nhân anh đã góp phần trực tiếp đào tạo rất nhiều các kỹ sư điện tử, kỹ sư địa vật lý giỏi của xí nghiệp. Hiện, anh vẫn đang ngày ngày tham gia các khóa đào tạo nâng cao kiến thức chuyên môn cho đội ngũ kỹ thuật của xí nghiệp đặc biệt là các kỹ sư trẻ. Sống trong một tập thể đoàn kết, anh luôn tích cực tham gia các hoạt động công đoàn và là nhân tố tích cực trong các phong trào do công đoàn phát động như phong trào lao động sáng tạo, phong trào thể thao, các hoạt động xã hội tương thân tương ái...
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ cùng nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đơn vị, cá nhân anh đã dành được nhiều bằng khen, phần thưởng đáng ngưỡng mộ!
Anh Nguyễn Xuân Quang đã được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2015); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2012) và 6 lần được nhận bằng lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cùng rất nhiều bằng khen, giấy khen của tỉnh, của ngành dầu khí...
Nguyễn Phượng