Tối ngày 23/11/2022, tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã diễn ra Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đợt 6 và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV-1 của Đài truyền hình Việt Nam. Vietsovpetro vinh dự có 02 cụm công trình được trao tặng giải thưởng cao quý này.
Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN là hai giải thưởng cao quý nhất trong lĩnh vực KH&CN của Đảng và Nhà nước được triển khai xét tặng từ năm 1996 (5 năm 1 đợt) cho các công trình, cụm công trình đặc biệt xuất sắc, có giá trị cao về KH&CN, có tác động lớn và lâu dài trong đời sống nhân dân, góp phần quan trọng và thiết thực phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và sự nghiệp phát triển KH&CN của đất nước.
Trong số 44 công trình, cụm công trình tham gia đăng ký xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đợt 6, Chủ tịch nước đã quyết định tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN cho 29 công trình, cụm công trình, trong đó bao gồm 12 công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và 17 công trình, cụm công trình được tặng Giải thưởng Nhà nước về KH&CN.
Tại đợt xét tặng và trao giải lần này, qua 05 cấp xét duyệt gắt gao (Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp cơ sở, Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp Bộ Công Thương, Hội đồng xét tặng giải thưởng chuyên ngành cấp Nhà nước, Hội đồng xét tặng giải thưởng cấp Nhà nước), các tác giả Vietsovpetro đã vinh dự đạt được cả giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN, cụ thể:
+ Cụm công trình “Hệ thống trạm đo carota tổng hợp xách tay TBM-02 và Bộ quy trình minh giải tài liệu địa vật lý LOGINTER 2.0" của KS. Nguyễn Xuân Quang và 10 đồng tác giả được trao giải thưởng Hồ Chí Minh.
Bộ quy trình công nghệ xử lý minh giải tài liệu địa vật lý giếng khoan LOGINTER 2.0 đã tích hợp nhiều công đoạn riêng rẽ vào trong quy trình thống nhất của người Việt Nam. Bổ sung nhiều tiện ích mới linh hoạt, phù hợp với nhu cầu công việc thực tế và giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quá trình sản xuất. Bộ quy trình đã đáp ứng được yêu cầu của những mảng chuyên ngành lớn trong sản xuất của Vietsovpetro. Với sự chủ động về công nghệ cũng như số lượng khóa bản quyền, LOGINTER 2.0 sẽ trở thành một thương hiệu xử lý minh giải tài liệu địa vật lý giếng khoan có hiệu quả.
Cụm công trình có đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của chuyên ngành chế tạo thiết bị địa vật lý, thiết bị điện tử chuyên ngành dầu khí và bộ quy trình minh giải địa vật lý, công nghệ địa vật lý giếng khoan, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ở Việt Nam.
Cụm công trình cũng phản ảnh quá trình phát triển nội lực KH&CN địa vật lý của Việt Nam, là một báo cáo sinh động về hoạt động KHCN sôi nổi tại Vietsovpetro cũng như ngành dầu khí nói chung, đã góp phần giúp đơn vị hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, nhiệm vụ chính trị và xã hội của ngành dầu khí Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới và phát triển bền vững đất nước.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN cho Ông Nguyễn Xuân Quang – Đại diện các đồng tác giả của cụm công trình
+ Cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp công nghệ trong thu gom, xử lý và sử dụng khí đồng hành ở các mỏ của liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro và các mỏ lân cận (phần ngoài khơi)" của TS. Nguyễn Quỳnh Lâm và 23 đồng tác giả được trao giải thưởng Nhà nước về KH&CN.
Năm 1995, trong giai đoạn khan hiếm nguồn nhiên liệu cho điện năng, khí đồng hành đang bị đốt bỏ ngoài khơi (trong điều kiện chưa đầy đủ trang thiết bị), thông qua giải pháp thiết kế-xây dựng nhanh (fast-track) khí đồng hành đã được thu gom, xử lý, và vận chuyển vào bờ cung cấp cho nhà máy nhiệt điện Bà rịa, đã làm thay đổi diện mạo ngành công nghiệp Việt Nam, làm tiền đề cho việc ra đời nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ, góp phần quan trọng trong việc giải quyết vấn đề khủng hoảng năng lượng, tình trạng cắt điện luân phiên của thập niên 90;
Ứng dụng các giải pháp của Cụm công trình đã tạo điều kiện thuận lợi để thu gom được khí đồng hành ở các mỏ hiện đang khai thác ở Bồn Trũng Cửu Long. Các công trình của Vietsovpetro thực sự đã trở thành trung tâm kết nối và lưu chuyển khí từ các mỏ như: Rồng, Rạng Đông, Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng, Sư Tử Trắng, Hải sư đen, Hải sư trắng, Tê Giác Trắng, Cá Ngừ Vàng, Thiên Ưng, Đại Hùng, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác các mỏ dầu tại thềm lục địa Việt Nam.
Thu gom và vận chuyển khí đồng hành vào vào bờ của Vietsovpetro đã mang lại ý nghĩa sâu sắc cho nền kinh tế Việt nam, thay thế nguồn nguyên liệu dầu DO truyền thống cho các nhà máy nhiệt điện, là tiền đề tạo ra các sản phẩm mới cho đất nước như: Đạm, LPG, nguyên liệu cho các nhà máy hóa dầu. Đặc biệt sản xuất đạm từ nguồn khí trong nước đã góp phần đảm bảo an ninh lương thực; LPG góp phần thay đổi diện mạo đô thị và nông thôn, thay đổi nguồn nguyên liệu của nhiều ngành nghề tiểu thủ công, đem lại công ăn việc làm cho các tầng lớp xã hội, tăng thu nhập cho người dân.
Các giải pháp sớm thu gom, xử lý và vận chuyển khí đồng hành các mỏ của Vietsovpetro vào bờ là cơ sở vững chắc, đặt nền móng cho sự trưởng thành và phát triển ngành Công nghiệp Khí – Điện – Đạm Việt Nam hiện nay, đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực và vô cùng to lớn cho xã hội nước ta.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Giải thưởng Nhà nước về KH&CN cho Ông Lê Việt Dũng – Đại diện các đồng tác giả của cụm công trình.
Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Huỳnh Thành Đạt chụp ảnh lưu niệm với một số đồng tác giả 02 cụm công trình của Vietsovpetro.
Như vậy, qua hơn 40 năm xây dựng và trưởng thành, Vietsovpetro đã không ngừng đào tạo và nâng cao trình độ của đội ngũ chuyên gia với mục đích chủ động nắm vững kỹ thuật, công nghệ tiên tiến và phát huy sáng tạo, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu về nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Các cụm công trình của Vietsovpetro được trao giải thưởng cao quý lần này một lần nữa chứng tỏ sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước đối với sự đóng góp của Vietsovpetro vào sự nghiệp xây dựng và phát triển Đất nước, cũng như vinh danh trí tuệ của những người đi tìm lửa.
PKTSX