Có thể nói những kỹ sư làm việc tại Trung tâm là những người có cái “đầu thép”. Tôi ví như vậy là vì hằng ngày họ phải “gánh vác” trách nhiệm xử lý số liệu, hình ảnh với dung lượng lên đến hàng trăm MB (Mega byte), từ các đội thực địa gửi về. Nếu không có “đầu thép” và tinh thần thép thì khó có thể chịu đựng nổi với công việc như vậy. Và đặc biệt hơn cả đó chính là áp lực rất lớn về trách nhiệm của người đưa ra kết luận, dự báo cuối cùng về khả năng cho dòng sản phẩm của mỗi lát cắt mở ra, hay trạng thái kỹ thuật của một giếng khoan đang khai thác. Nói nôm na như là chuyện họ phải đưa ra được kết luận chính xác rằng một bé sắp được sinh ra khỏe mạnh hay ốm yếu, một con người trưởng thành đang gặp vấn đề sức khỏe thế nào vậy!
Công việc của Trung tâm nói chung là… khổng lồ! Tất cả các đội đo đạc thực địa giếng khoan như đội Karota khí, đội đo Địa vật lý tổng hợp, đội Gọi dòng – thử vỉa, đội đo Kiểm tra khai thác… đều gửi kết quả đo về Trung tâm này. Nhiệm vụ của Trung tâm là phải phân tích các số liệu đó bằng các phần mềm chuyên dụng rồi sau đó tiến hành minh giải kết quả để đưa ra những đánh giá, nhận định cuối cùng. Người quản lý giếng, quản lý mỏ căn cứ vào kết quả này để đưa ra những biện pháp thích hợp đối với mỗi giếng khoan.
Chính vì đặc thù công việc đó mà các kỹ sư tại Trung tâm cũng được ví như hình ảnh của một người bác sĩ đọc kết quả X-quang, kết quả xét nghiệm của một bệnh nhân vậy. Sự liên tưởng đó giúp ta dễ hình dung nhất về tầm quan trọng của Trung tâm PT&XLSL. Bởi nếu kết quả từ Trung tâm sai thì sẽ dẫn đến chuyện ngớ ngẩn như trong y học rằng, người đang bị đau bụng nhưng bác sĩ lại kê toa thuốc… nhức đầu vậy. Đó là điều quá nguy hiểm!
Nhưng để có kết quả đánh giá chính xác thì trước tiên số liệu đo đạc thực địa phải thật sự chất lượng. Cũng chính vì thế mà trước khi đưa số liệu vào xử lý thì các kỹ sư tại Trung tâm phải kiểm soát để đảm bảo cho tài liệu có được chất lượng tốt nhất. Điều này cũng xuất phát từ thực tế rằng, sự sai lệch trong quá trình đo đạc trong điều kiện môi trường giếng khoan sâu hàng nghìn mét dưới đáy biển là rất dễ xảy ra.
Chuyện là thế này, hàng tháng, Trung tâm đều có tổng kết đánh giá chất lượng số liệu đến từng đội thực địa. Và kết quả này ảnh hưởng đến thi đua khen thưởng của họ. Nhưng như đã nói, chuyện sai số nhiều khi không phải do chủ quan của con người mà là do điều kiện khách quan của giếng khoan. Thậm chí có những giếng khoan quá phức tạp, không thể nào tiến hành đo được, hoặc đo được nhưng chắc chắn không thể chính xác. Như trường hợp đo lưu lượng ở giếng có parafin chẳng hạn.
Và thực tế là chuyện người của Trung tâm và các anh thực địa “cãi” nhau gần như là chuyện diễn ra hằng ngày, từ phòng làm việc cho đến phòng họp. Nói là cãi nhau nhưng thực ra đó chỉ là tranh luận về công việc. Trong quá trình đánh giá số liệu, kỹ sư của Trung tâm sẽ chỉ ra những số liệu nào không chất lượng và khi đó nhiệm vụ của người đo thực địa là phải giải thích mình bị “oan” ở chỗ nào! Do máy móc hay do điều kiện môi trường giếng khoan… thì họ phải chỉ rõ ra và chứng minh được là đúng như vậy! Nhưng cũng có khi có những số liệu bất thường mà người làm phân tích mới chính là người phải chịu trách nhiệm lý giải vì sao, chứ các anh thực địa thì… “bó tay”!
Nhưng nói chung, sự va chạm giữa người làm phân tích số liệu và người đo đạc là tối cần thiết để có những kết quả đánh giá, kết luận về giếng khoan chính xác nhất. Và với họ, “giận thì giận mà thương thì cứ thương”, họ rất thông cảm cho đặc thù công việc, áp lực riêng của nhau!
số liệu thì buồn nhất có lẽ chính là lúc bị nhà quản lý mỏ trách móc. Chẳn hạn:Em kết luận là có dầu nhưng sao anh gọi mãi dầu không ra?!” Nhưng đâu ai biết được rằng, ngay cả khi số liệu đo thực địa là chất lượng, kết quả phân tích là chính xác thì vẫn có thể xảy ra sai khác so với thực tế. Đó cũng là cái “oan” của những người kỹ sư phân tích bởi vì rất có thể sự sai lệch đó đến từ quá trình khoan.
Ví dụ như dùng dung dịch khoan không phù hợp, dẫn đến vỉa bị xâm nhập; thời gian khoan lâu làm đất đá trương nở hoặc thành giếng sập lở… Khi đó các thông tin đo địa vật lý đã không còn chính xác nữa, kể cả đã được hiệu chỉnh và thế là kết quả dự báo sẽ thiếu chính xác!
Cũng có khi phía Trung tâm đưa ra nhận xét là vỉa dầu nhưng khai thác ra lại có nước. Thế là họ bị chủ mỏ mắng! Nhưng lý do có khi không phải Trung tâm dự báo sai mà là quá trình bơm trám xi-măng không chất lượng. Việc này làm vỉa dầu với vỉa nước không ngăn cách tốt nên khi bắn mìn mở vỉa thì nước vào giếng và ép dầu ở lại vỉa.
Lại có khi, Trung tâm đưa ra dự báo là triển vọng vỉa này cao nhưng khi khai thác thì sản lượng lại thấp. Vấn đề này có thể là do quản lý mỏ để chế độ khai thác không phù hợp…
Nhưng cũng có những trường hợp xem ra rất trớ trêu rằng, điều kiện giếng tốt, số liệu đo tốt nhưng đội phân tích vẫn bị mắng là nhận định không đúng triển vọng của giếng. Liên quan đến vấn đề này, một chị trong Trung tâm có kể lại cho tôi nghe về một kỷ niệm nhớ đời của chị khi phân tích, xử lý tài liệu một giếng thăm dò vào năm 2013.
Với giếng này, khi nhìn trên băng tổng hợp thì mọi người đều kết luận là giếng có triển vọng. Nhưng về phía Địa Vật lý Giếng khoan, khi phân tích, đối chiếu với đặc điểm lát cắt, tính chất chất lưu trong vỉa cộng với kinh nghiệm đánh giá nhiều khu vực nghiên cứu đã kết luận ngược lại rằng, giếng đó không có triển vọng và đề nghị giảm thiểu số đối tượng thử vỉa, gọi dòng cho đỡ tốn kém chi phí.
Và, kết luận đó vấp phải sự phản ứng khá căng thẳng trong một cuộc họp kỹ thuật của lãnh đạo Xí nghiệp bởi giếng khoan này rất quan trọng và sự mong đợi của Vietsovpetro về việc mở ra một khối mới tại cánh Đông - Bắc mỏ Bạch Hổ là quá lớn.
Đương nhiên với những việc “ăn cơm trần gian nói chuyện “âm phủ” như thế này thì để thuyết phục người khác tin vào kết luận chỉ có thể là kết quả gọi dòng – thử vỉa sau đó. Nhưng, với các luận giải rõ ràng, khoa học, cộng với kinh nghiệm và cảm nhận của mình, các “bác sỹ” vẫn bảo lưu nhận định về triển vọng kém của giếng.
Lúc đó, lãnh đạo Xí nghiệp đã quyết định cho thử cả 3 đối tượng. Kết quả đúng như kết luận, cả 3 khoảng vỉa đều không có dòng. Tuy thắng cược, song các “bác sỹ” lại không thấy vui. Bởi giếng khoan không có sản phẩm là một tin buồn của Vietsovpetro và nỗi thất vọng của tất cả mọi người trong Xí nghiệp.
“Các anh ấy sai là điều chấp nhận được, bởi họ không phải là nhà phân tích địa vật lý. Nếu có dầu, dù vui nhưng như thế tức là bọn mình sai, thì điều này lại khó chấp nhận. Qua lần đó bọn mình càng cảm thấy tự tin hơn ở nhận xét, đánh giá của bản thân” – Trưởng Trung tâm, chị Nguyễn Thị Liên Thủy bộc bạch.
“Vậy có lần nào kết luận của chị sai mà cái sai đó là do chủ quan từ chị, người đứng đầu Trung tâm chưa?” – tôi hỏi chị Thủy. Một cách thẳng thắn, chị cho biết sai sót là điều khó tránh khỏi, cũng như đòi hỏi kết quả dự báo nào cũng chính xác đến 100% hầu như là điều khó có thể xảy ra!
Với chị, kết quả dự báo sai cũng là nỗi buồn nhất của bản thân, của tất cả các anh em trong Trung tâm. “Nhưng chị cố gắng tránh buồn nhiều bằng cách luôn cùng mọi người xem xét đánh giá các số liệu một cách cẩn thận nhất, trao đổi cởi mở để anh em rút kinh nghiệm”, chị nói.
3. Trong phòng làm việc của Trung tâm PT&XLSL với ngổn ngang biểu bảng, sơ đồ, hình chụp… từ những con số đến đường cong ngoằn ngoèo, từ loại trắng đen cho đến những màu sắc bắt mắt. Chị Thủy lôi ra cho tôi xem một băng tổng hợp các đường cong đã khảo sát của một giếng khoan. Nó rất dài! Chỉ tay vào những đường cong, chị giải thích từng tính chất đất đá qua biểu hiện của từng đường. Chị cho biết, để phân tích các số liệu này thì dữ liệu phải được xử lý trên các phần mềm chuyên dụng. Mà ở mỗi lĩnh vực lại dùng một loại phần mềm khác nhau. Ví dụ riêng lĩnh vực đánh giá tính chất thấm chứa của vỉa đã có tới 5 phần mềm tham gia vào quá trình xử lý.
Bảng tổng hợp các đường cong đã khảo sát của một giếng khoan
Với những giếng quan trọng thì Xí nghiệp ĐVLGK đều phải tổ chức một cuộc họp kỹ thuật để cùng trao đổi, đánh giá về các kết luận. Sở dĩ như vậy là vì kết quả Trung tâm PT&XLSL đưa ra là công đoạn cuối cùng, cũng là bộ mặt của Xí nghiệp, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến uy tính của cả Xí nghiệp. Bởi tất cả kết quả đó sẽ được gửi đi khắp các nơi từ Viện Nghiên cứu và Thiết kế dầu khí biển (Viện NiPi) đến XN Khoan & Sửa giếng, Xí nghiệp Khai thác, Phòng Địa chất khai thác mỏ …
Chị Thủy cho biết, quá trình xử lý minh giải một giếng khoan tùy thuộc vào dạng số liệu và loại giếng khoan. Với những giếng chỉ cần đo một đối tượng vỉa hay với những vỉa không có dầu thì thời gian phân tích, xử lý rất nhanh, trong vòng 1 tuần là hoàn thành báo cáo. Còn với những giếng tìm kiếm thăm dò phải nghiên cứu nhiều phương pháp, nhiều đối tượng, mà trong đó có nhiều đối tượng có dòng thì thời gian xử lý minh giải kéo dài hơn.
Tuy nhiên, Trung tâm cũng đặt ra những giới hạn thời gian nhất định cho từng loại kết luận, báo cáo. Và giới hạn đó được đưa ra dựa trên tính chất cấp bách của từng loại công việc, tình trạng giếng khoan. Có những giếng cần có thông tin kịp thời để quyết định những công việc tiếp theo thì phải ưu tiên làm ngày làm đêm để đưa ra đánh giá sơ bộ sớm nhất. “Nói chung, việc thông tin nhanh chóng, kịp thời và chính xác đó là tiêu chí hàng đầu của Trung tâm PT&XLSL” – chị Thủy chia sẻ.
Chị Thủy thú nhận là công việc của người kỹ sư phân tích là đau đầu đấy, có áp lực rất lớn đấy nhưng khi ta có kiên nhẫn, tỉ mỉ và say mê thì “cũng chẳng vấn đề gì em ạ!”. Bằng chứng là có rất nhiều kỹ sư trẻ đang làm việc tại Trung tâm, họ rất hăng say và đạt nhiều kết quả tốt.
Theo chị Thủy, không riêng gì chị mà mọi kỹ sư phân tích số liệu thường bị công việc lôi cuốn. Ai cũng hồi hộp, đứng ngồi không yên chờ đợi kết quả gọi dòng, để kiểm chứng nhận định của mình; niềm vui như vỡ òa khi dầu lên và kết luận của mình chính xác với thực tế giếng … Tất cả điều đó đã tạo nên sự hấp dẫn, là chất men mê say để gắn kết người kỹ sư phân tích với công việc của mình.
Bảng khảo sát của một giếng khoan và hỉnh ảnh ống chống sau khi phân tích.
Họ, những người kỹ sư tại Trung tâm PT&XLSL vẫn đang hằng ngày miệt mài với vai trò là người “bác sĩ” tận tụy “bắt mạch” cho từng giếng dầu ngoài khơi, không chỉ riêng ở Vietsovpetro. Họ theo dõi từng động thái, hơi thở của những mạch dầu và đưa ra những đánh giá, dự báo kịp thời, chính xác nhất.
Họ cũng làm việc với tinh thần của những người bác sỹ thật sự: “lương y như từ mẫu”. Bởi nếu bác sĩ không tận tụy, bất cẩn thì sức khỏe, mạng sống của bệnh nhân bị đe dọa, còn kỹ sư phân tích thì làm ảnh hưởng đến kế hoạch khai thác và kinh doanh của cả ngành Dầu khí!
Lê Trúc