Đến dự hội nghị có Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công; đại diện lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương.
Về phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có Chủ tịch HĐTV Phùng Đình Thực, Tổng giám đốc Đỗ Văn Hậu, các Thành viên Hội đồng Thành viên PVN, Ban tổng giám đốc PVN, lãnh đạo các đơn vị thành viên PVN, nguyên lãnh đạo PVN qua các thời kỳ đến dự hội nghị.
Những kỷ lục mới
Thay mặt lãnh đạo Tập đoàn, Tổng giám đốc Đỗ Văn Hậu đã đọc báo cáo tổng kết năm 2012.
Năm qua, Tập đoàn đã cơ bản hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đề ra và có mức tăng trưởng cao so với năm 2011. Tổng doanh thu của toàn bộ các đơn vị trong Tập đoàn đạt 773,7 nghìn tỉ đồng, bằng 117,2% kế hoạch năm, tăng 14,6% so với năm 2011. Nộp ngân sách Nhà nước đạt 187 nghìn tỉ đồng, bằng 138,8% kế hoạch năm, tăng 16,3% so với năm 2011, vượt 52,26 nghìn tỉ đồng (2,49 tỉ USD) so với kế hoạch năm.
Theo Tổng giám đốc PVN Đỗ Văn Hậu, Tập đoàn đã đạt được một số kỷ lục như khai thác vượt kế hoạch 0,93 triệu tấn dầu; doanh thu lần đầu tiên trên 700 nghìn tỉ đồng và nộp ngân sách nhà nước trên 9 tỉ USD.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải biểu dương những thành tích của PVN trong năm 2012.
Trong năm 2012, PVN đã hoàn thành công tác thu nổ 11.218 km2 địa chấn 3D (trong đó thu nổ 1.248 km2 địa chấn 3D ở nước ngoài) và 13.044 km địa chấn 2D; triển khai khoan 27 giếng thăm dò thẩm lượng và 42 giếng khoan khai thác. Gia tăng trữ lượng dầu khí đạt 48 triệu tấn quy dầu. Có 2 phát hiện dầu khí mới là Kình Ngư Trắng và Thỏ Trắng. Đưa 7 mỏ/công trình vào khai thác. Tổng sản lượng khai thác quy dầu năm 2012 đạt 26,09 triệu tấn. Tập đoàn đạt mốc khai thác tấn dầu thứ 290 triệu vào 31/5/2012, đạt mốc khai thác m3 khí thứ 80 tỉ vào ngày 15/10/2012.
Về vận chuyển, chế biến và kinh doanh khí, trong năm 2012 từ các hệ thống đường ống dẫn khí đã cung cấp 9,17 tỉ m3 khí khô; 60,4 nghìn tấn Condensate và 266,7 nghìn tấn LPG cho các hộ tiêu thụ trong nước. Tập đoàn đạt mốc sản xuất kWh điện thứ 50 tỉ vào ngày 14/10/2012. Sản xuất điện của Tập đoàn năm 2012 đạt 15,27 tỉ kWh.
Về công nghiệp chế biến dầu khí, Nhà máy Đạm Phú Mỹ vận hành tối ưu công suất, Tập đoàn đã có sản phẩm đầu tiên từ Nhà máy Đạm Cà Mau vào ngày 29/01/2012 và sản phẩm thương mại từ ngày 24/4/2012. Sản xuất đạm năm 2012 đạt 1.426 nghìn tấn.
Sản xuất xăng dầu các loại toàn Tập đoàn năm 2012 đạt 5,53 triệu tấn, bằng 93,0% kế hoạch năm. Doanh thu dịch vụ dầu khí năm 2012 đạt trên 233 nghìn tỉ đồng, bằng 102% kế hoạch năm và tăng 13,4% so với năm 2011, chiếm 30% tổng doanh thu toàn Tập đoàn.
Về công tác đầu tư phát triển, tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm nhà nước về dầu khí và các dự án trọng điểm của Tập đoàn được kiểm soát chặt chẽ.
Tập đoàn đã tiến hành rà soát, sắp xếp lại toàn bộ danh mục, tiến độ các dự án đầu tư đầu tư, tập trung vốn cho các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính của Tập đoàn, các dự án hoàn thành trong năm 2012 kết quả rà soát đã đình hoãn, giãn tiến độ 24 dự án đầu tư với tổng giá trị đình hoãn, giãn tiến độ các dự án là trên 11,17 nghìn tỉ đồng. Giá trị thực hiện đầu tư năm 2012 đạt 91 nghìn tỉ đồng, giá trị giải ngân các dự án đầu tư đạt 89,8 nghìn tỉ đồng.
Chủ tịch HĐTV PVN Phùng Đình Thực phát biểu khai mạc hội nghị.
Tổng giám đốc PVN Đỗ Văn Hậu báo cáo tổng kết Tập đoàn 2012, nhiệm vụ 2013.
Các mặt công tác khác như khoa học công nghệ đã được triển khai thực hiện quyết liệt trong toàn Tập đoàn; trong năm 2012, Tập đoàn đã tổ chức đào tạo 3.435 lượt người, bằng 151% kế hoạch năm; công tác an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ được đảm bảo, an toàn; công tác an sinh xã hội được các cấp lãnh đạo Tập đoàn đặc biệt quan tâm, tổng số tiền thực hiện công tác an sinh xã hội năm 2012 đạt 604 tỉ đồng, bằng 101% kế hoạch cam kết cả năm; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã tiết giảm 5.104 tỉ đồng, bằng 137,4% so với kế hoạch Tập đoàn cam kết (3.715 tỉ đồng).
Tuy nhiên, những khó khăn mà Tập đoàn phải đối mặt trong năm 2012 vẫn tiếp tục còn là thử thách trong năm 2013 như công tác tìm kiếm thăm dò, phát triển và khai thác dầu khí gặp nhiều khó khăn, hoạt động khảo sát điều tra cơ bản và tìm kiếm thăm dò dầu khí của Tập đoàn ở vùng xa bờ trên biển Đông còn nhiều phức tạp. Việc mở rộng tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí ở nước ngoài đòi hỏi nguồn vốn lớn và gặp phải sự cạnh tranh rất khốc liệt từ các công ty dầu khí lớn trên thế giới...
Việc tiêu thụ các sản phẩm mới (sản phẩm chạy thử của các dự án: xơ sợi tổng hợp, Ethanol) gặp nhiều khó khăn do thị trường trong nước nhu cầu thấp, các chính sách hiện tại chưa đủ bắt buộc xã hội sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường cho đến hết năm 2014…
Bước sang năm 2013, Tập đoàn tiếp tục phát huy hiệu quả sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam quyết tâm phấn đấu tổ chức thực hiện thành công các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2013 của Tập đoàn và các nhiệm vụ trọng tâm như công tác tái cấu trúc doanh nghiệp của Tập đoàn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chỉ đạo, giám sát, đôn đốc các đơn vị thành viên, các nhà thầu dầu khí thực hiện đúng Kế hoạch, Chương trình công tác ngân sách năm 2013 đã được phê duyệt; triển khai thực hiện đúng tiến độ và thu xếp vốn cho các dự án đầu tư của Tập đoàn; tiếp tục triển khai cải cách hành chính; rà soát hoàn chỉnh các quy trình, quy chế, quy định của Tập đoàn phù hợp với phương án tái cấu trúc của Tập đoàn và của đơn vị; tiếp tục chỉ đạo thực hiện chủ trương tiết giảm chi phí quản lý trong toàn Tập đoàn; tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Bộ Quốc phòng trong việc triển khai các hợp đồng dầu khí và đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia; tiếp tục triển khai thực hiện công tác An sinh xã hội để chia sẻ với cộng đồng.
Vượt thách thức
Trong phần tham luận của các đơn vị, Tổng giám đốc Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro) Nguyễn Hữu Tuyến nhấn mạnh về cái khó của Vietsovpetro là làm thế nào chặn đứng nguy cơ suy giảm sản lượng của mỏ Bạch Hổ. Tháng 12/2008, Vietsovpetro đã đệ trình lên Tập đoàn kế hoạch chặn đứng đà suy giảm này. Giải pháp Vietsovpetro đưa ra là tiếp tục tổ chức khai thác hiệu quả nhất, chế độ khai thác tối ưu nhất, hạn chế tối đa độ ngập nước tại các mỏ khai thác. Năm 2009, Vietsovpetro đã thực hiện thành công việc ngăn chặn độ ngập nước vào các mỏ.
Trong năm 2013, Vietsovpetro sẽ khoan 130 ngàn mét khoan, hoàn thành 26 giếng. Tiếp tục ứng dụng công nghệ xử lý axit vùng cận đáy giếng. Đẩy nhanh tốc độ thăm dò một số cấu tạo mới được phát hiện. Nâng cao hệ số thu hồi, tích cực thăm dò các mỏ còn lại ở lô 09-1. Năm 2013, Vietsovpetro triển khai xây dựng giàn khai thác ở mỏ Gấu Trắng, sẽ xây dựng công trình trên biển BK16, BK27. Những công trình này sẽ bù đắp thêm phần suy giảm sản lượng của mỏ Bạch Hổ.
Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) năm 2012 cũng đã gia tăng trữ lượng được 19,7 triệu tấn quy dầu, khoan tìm kiếm thăm dò được 1 giếng ở Kình Ngư Trắng. PVEP cũng đã mua lô 67 ở Pêru sau hơn 3 tháng đàm phán. Tháng 10/2012, lô này đã có dòng dầu đầu tiên, và sắp tới cho sản lượng 62 ngàn thùng dầu/ngày. Tổng giám đốc PVEP Đỗ Văn Khạnh cho biết nguyên nhân PVEP đảm bảo sản lượng khai thác trong năm 2012 do đẩy nhanh tiến độ công tác khai thác, trong đó có mỏ Tê Giác Trắng.
Về các dự án ở nước ngoài¸ Tổng giám đốc PVEP Đỗ Văn Khạnh nêu một số tiến độ như ở Algeria sẽ khai thác vào tháng 6/2014, cho 20 ngàn thùng/ngày, sau tăng lên 40 ngàn thùng/ngày. Tuy nhiên, việc tìm kiếm dầu khí ở nước ngoài cũng gặp vô vàn nguy hiểm như an ninh bất ổn ở Algeria. Với mỏ Junin-2, PVEP triển khai rất khó khăn do lạm phát ở Venezuela tăng phi mã.
Một khó khăn nữa là năm 2013, PVEP cần khoảng 1,9 tỉ USD cho đầu tư. Ngày 18/1, PVEP mới ký được hợp đồng vay 300 triệu USD từ 17 ngân hàng quốc tế. Theo đánh giá của Tổng giám đốc PVEP Đỗ Văn Khạnh thì đây là nỗ lực lớn bởi những năm trước, PVEP có vay 400 triệu nhưng chỉ từ 5 ngân hàng.
Chủ tịch HĐTV Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn Nguyễn Hoài Giang không buồn vì Nhà máy Lọc dầu Dung Quất dừng hoạt động 2 tháng, chưa có lãi trong năm 2012. Theo ông Nguyễn Hoài Giang thì tuổi thọ của nhà máy lọc dầu trung bình là 100 năm. Giai đoạn vận hành đầu tiên nghiệm thu nhà máy, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẵn sàng hy sinh một số chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, tài chính để đảm bảo kỹ thuật, nâng cao tuổi thọ cho toàn bộ nhà máy.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trao Huân chương Lao động hạng Nhì
và hạng Ba cho các tập thể và cá nhân của PVN.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trao Huân chương Hữu nghị cho ông Petrakov Alexander Vladislavovich, Phó ban Trung tâm Điều độ sản xuất và ông Mamedov Mirza Nazaraly, Chánh kỹ sư Xí nghiệp xây lắp, khảo sát và Sửa chữa công trình biển (Vietsovpetro).
Ông Nguyễn Hoài Giang cũng đưa ra một số giải pháp như tăng cường tiết kiệm để giảm chi phí. Lập ra những nhóm phản biện với nhóm đề ra sáng kiến trong quá trình sản xuất kinh doanh. Làm sao để đầu tư 10 triệu USD mà mang lại lợi nhuận 20 triệu USD – đó mới là tiết kiệm.
Ông Phạm Văn Định, Trưởng ban quản lý dự án Điện lực Dầu khí Vũng Áng – Quảng Trạch cũng nêu một số nét nổi bật và những khó khăn của dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1. Ngày 20/12/2012, nhà máy đã chạy thử phân xưởng xử lý nước, đến nay đã tích được 9 ngàn m3 đủ nước thử áp lực lò hơi. Ngày 8/1/2013 đã nhận điện ngược vào Nhà điều hành trung tâm để chạy thử các thiết bị phát điện. Dự kiến nhà máy sẽ đốt lò bằng than vào quý III/2013.
Khó khăn lớn nhất của nhà máy là giá của EPC đàm phán ký kết dựa trên phê duyệt của Bộ Công Thương 1,17 tỷ USD, nay phát sinh nhiều. Tập đoàn đã báo cáo Chính phủ, Chính phủ giao Bộ Xây dựng giải quyết việc này.
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị. Phó Thủ tướng biểu dương những nỗ lực to lớn của lãnh đạo Tập đoàn và toàn thể cán bộ CNV người lao động Dầu khí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kế hoạch được giao năm 2012 trong tình hình đất nước đang phải chịu nhiều tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới và khu vực.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao những thành tích mà Tập đoàn đã đạt được, đặc biệt trong việc gia tăng trữ lượng dầu khí cả trong và ngoài nước, việc đầu tư những dự án mang tính chiến lược, lâu dài nhằm bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực cho đất nước như các dự án đầu tư ở nước ngoài, dự án lọc hóa dầu, điện, khí, đạm... Những thành tích mà Tập đoàn đã đạt được hết sức quan trọng và có ý nghĩa rất lớn, rất quan trọng đối với phát triển kinh tế của nước nhà.
Phó Thủ tướng chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cần sớm khắc phục những tồn tại, tạo thành sức mạnh tổng lực để vượt qua những khó khăn, biến những bài học kinh nghiệm thành giải pháp; thực hiện tốt Chương trình tái cơ cấu sắp xếp lại doanh nghiệp đã được Chính phủ phê duyệt, tập trung rà soát và có tính đến các yếu tố tác động dài hạn đến ngành để điều chỉnh quy hoạch; nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp; tích cực cải cách hành chính; đảm bảo an toàn và kỷ luật lao động; nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh...
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đặc biệt lưu ý vấn đề đoàn kết nội bộ để phát huy được năng lực của từng cá nhân trong tổ chức và cần có kế hoạch chuẩn bị hết sức bài bản nguồn cán bộ cho thế hệ mai sau.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trao cờ Thi đua của Thủ tướng Chính phủ
cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
4 cá nhân nhận danh hiệu Chiến sĩ Thi đua Toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ.
Thay mặt lãnh đạo Tập đoàn, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Phùng Đình Thực đã tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng và bày tỏ sự biết ơn sâu sắc đối với những quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các Bộ, Ngành, các địa phương trong nhiều năm qua, giúp cho Tập đoàn hoàn thành được vai trò trọng trách và đạt được những thành tích đáng tự hào, đồng thời cam kết toàn Tập đoàn sẽ nỗ lực hết mình, với tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao nhất, hoàn thành mọi nghiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho 6 tập thể và cá nhân; Huân chương Lao động hạng Ba cho 15 tập thể và cá nhân. Ông Petrakov Alexander Vladislavovich, Phó ban Trung tâm Điều độ sản xuất và ông Mamedov Mirza Nazaraly, Chánh kỹ sư Xí nghiệp xây lắp, khảo sát và Sửa chữa công trình biển (Vietsovpetro) nhận Huân chương Hữu nghị.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và 12 đơn vị thuộc Tập đoàn nhận cờ Thi đua của Thủ tướng Chính phủ. 4 cá nhân cũng được Thủ tướng Chính phủ tặng danh hiệu Chiến sĩ Thi đua Toàn quốc.
15 tập thể nhận cờ Thi đua của Bộ Công Thương; 46 đơn vị nhận cờ Thi đua của Tập đoàn. 10 doanh nhân cũng nhận danh hiệu Nhà quản lý Dầu khí xuất sắc; 10 doanh nhân nhận danh hiệu Nhà quản lý Dầu khí giỏi.
Tổng giám đốc Tập đoàn cũng trao giấy Chứng nhận cho 5 cá nhân có nhiều sáng kiến cấp Tập đoàn. 20 doanh nhân, nhà quản lý dầu khí nhận danh hiệu Nhà quản lý Dầu khí trẻ xuất sắc và giỏi.
15 tập thể nhận Cờ Thi đua của Bộ Công Thương
Chủ tịch HĐTV PVN Phùng Đình Thực và Tổng giám đốc PVN Đỗ Văn Hậu trao
Cờ Thi đua của Tập đoàn cho 46 đơn vị
20 doanh nhân, nhà quản lý nhận danh hiệu Doanh nhân, nhà quản lý
xuất sắc, giỏi
Tổng giám đốc PVN Đỗ Văn Hậu trao giấy chứng nhận cho 5 cá nhân có nhiều
sáng kiến cấp Tập đoàn 2012.
20 doanh nhân, nhà quản lý trẻ nhận danh hiệu Doanh nhân, nhà quản lý trẻ
Dầu khí xuất sắc, giỏi
Nhóm phóng viên